Xây dựng sản phẩm đặc trưng: Hướng mới để thoát nghèo

BVR&MT – Hưởng ứng Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” do Bộ NN&PTNT phát động, tỉnh Kon Tum đã xác định các nhóm sản phẩm đặc trưng hứa hẹn là hướng thoát nghèo mới, bền vững của địa phương.

Nhằm phát triển thế mạnh của từng địa phương cũng như nâng cao đời sống người dân trên địa bàn, huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) đã tiên phong trong việc thực hiện chủ trương xây dựng sản phẩm đặc trưng của tỉnh Kon Tum.

Được thiên nhiên ưu đãi với nguồn nguyên liệu măng le dồi dào và kỹ thuật chế biến măng le khô có từ lâu đời, sau khi tiến hành khảo sát, xã Đăk Pxi (huyện Đăk Hà) đã tổ chức đăng ký chọn và ra mắt sản phẩm đặc trưng này trong tháng 10 vừa qua.

Măng le khô được đóng gói để bán ra thị trường. Ảnh: VGP/Trầm Hương

Mùa măng le năm nào cũng vậy, anh A Xoa và bà con làng Kon Pao Kram, xã Đăk Pxi đều đi vào rừng kiếm măng về bán. Có người thì bán tươi cho các cơ sở, người thì phơi khô tự nhiên dưới nắng để sử dụng trong gia đình hoặc làm quà, hay bán, đổi thực phẩm khác.

“Trước kia bà con khi hái măng thì hái hết cả măng nhỏ, chặt cả cây le, cây rừng. Từ khi được xã hướng dẫn, bà con biết lựa chọn hơn, cái nào lấy được mới lấy, còn cái măng nhỏ để lại cho lần sau”, A Xoa nói.

Một kg măng tươi được bà con bán cho các cơ sở sản xuất trên địa bàn với mức giá 5.000 đồng. Năm nay, bà con dù không tận thu hết măng rừng nhưng mỗi hộ vẫn thu được khoảng 5 – 6 triệu đồng/mùa.

Bà Y Dim, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà cho biết, măng le được thu mua từ người dân và chế biến tại 2 cơ sở trên địa bàn. Sản phẩm măng le khô của xã Đăk Pxi có nhiều nét đặc biệt so với các loại măng le trồng ở nơi khác, măng khô có màu vàng tự nhiên, đẹp, ăn giòn, thơm nên mặc dù mới ra mắt nhưng sản phẩm này bước đầu đã được người tiêu dùng biết đến và tin tưởng sử dụng hoặc làm quà biếu.

“Để tránh việc bị tư thương ép giá, xã đã làm việc với các doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn góp phần ổn định đầu ra của sản phẩm”, Bà Y Dim cho biết thêm.

Từ lợi thế có gần 1.800 ha diện tích trồng cà phê và cao su, thích hợp cho việc nuôi ong lấy mật, UBND xã Đăk Mar (huyện Đăk Hà) đã thống nhất là lựa chọn sản phẩm đặc trưng là mật ong nuôi, sản phẩm ít nhiều cũng đã có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Người dân nuôi ong trong vườn nhà. Ảnh: VGP/Trầm Hương

Bà Nguyễn Thị Thanh Thùa, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Mar cho biết, mật ong nuôi của xã có màu vàng đẹp, chất lượng bảo đảm nhưng giá thành lại rẻ hơn nhiều so với mật ong rừng nên được người tiêu dùng chấp nhận.

Tuy nhiên, điều mà hầu hết các cơ sở sản xuất mật ong trên địa bàn xã hiện nay đang gặp phải đó là quy mô còn nhỏ lẻ, lại không có nhiều vốn đầu tư nên chưa bảo đảm giữ được nguồn cung mật ong.

Hiện nay, tất cả 11 xã, thị trấn của huyện Đăk Hà đều đã đăng ký sản phẩm đặc trưng; trong đó, một số xã đã tổ chức lễ ra mắt sản phẩm, giới thiệu sản phẩm đặc trưng đến với người tiêu dùng trong huyện và thị trường trong và ngoài tỉnh.

Sản phẩm mật ong từ hoa cà phê và cao su. Ảnh: VGP/Trầm Hương

Đồng thời, các xã cũng đã xây dựng kế hoạch quản lý cơ sở sản xuất kinh doanh gồm nhiều hoạt động như: Vận động thành lập các Tổ hợp tác liên kết sản xuất, huy động nguồn lực, chính sách ưu đãi nguồn vốn vay, hỗ trợ đăng ký nhãn mác hàng hóa… từng bước ổn định chất lượng và đầu ra cho sản phẩm.

Ông A Vượng, Bí thư Huyện ủy Đăk Hà chia sẻ: “Huyện Đăk Hà là huyện nông nghiệp, sản phẩm nông sản của bà con nông dân làm ra rất nhiều, nhưng đầu ra của sản phẩm đang gặp nhiều khó khăn. Thực hiện chủ trương của tỉnh về chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2030, huyện Đăk Hà đã triển khai kế hoạch cụ thể đến từng xã, xã tự lựa chọn sản phẩm đặc trưng để ra mắt, giới thiệu quảng bá sản phẩm, gắn với việc phát triển du lịch, dịch vụ”.

Việc xây dựng và phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương sẽ góp phần quảng bá, nâng tầm sản phẩm, văn hóa, con người nông dân trong phát triển kinh tế – xã hội và thực hiện giảm nghèo.

Bên cạnh đó, chính sách này còn mang ý nghĩa bảo tồn, phát huy những sản phẩm nghề truyền thống của các đồng bào dân tộc thiểu số trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội.