Xây dựng lực lượng cấp cứu mỏ chuyên nghiệp

BVR&MT – Nhằm giúp các mỏ khai thác than trong Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) sản xuất an toàn và hiệu quả, thời gian qua, Trung tâm Cấp cứu mỏ-TKV đã tập trung huấn luyện, xây dựng lực lượng cứu hộ ngày càng chuyên nghiệp; chủ động phối hợp với các đơn vị trong TKV tổ chức phòng ngừa, sẵn sàng tham gia ứng cứu nhiều vụ tai nạn mỏ…

Dẫn chúng tôi đi thăm Trạm Cấp cứu mỏ Uông Bí, đồng chí Vũ Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu mỏ-TKV, Trưởng Trạm Cấp cứu mỏ Uông Bí cho biết: Hiện Trạm có 52 cán bộ, chiến sĩ, trong đó quân số trực chiến chia thành 5 tiểu đội chính: 3 tiểu đội thay phiên nhau thường trực ứng cứu 24/24 giờ (từ ca 1 đến ca 3) tại đơn vị để khi có thông tin sự cố các mỏ có thể kịp thời lên phương án và triển khai hỗ trợ xử lý; 1 tiểu đội được phân công hàng ngày kiểm tra trực tiếp tại các mỏ trên địa bàn TP Uông Bí, Đông Triều về công tác đo khí, đo gió và kiểm tra tình trạng an toàn, phân hạng mỏ; 1 tiểu đội được điều động tăng cường làm thợ lò tại Công ty CP Than Vàng Danh để nắm bắt cơ sở, giám sát, nâng cao nghiệp vụ an toàn cấp cứu mỏ…

Chiến sĩ Tiểu đội 5, Trạm Cấp cứu mỏ Uông Bí kiểm tra thiết bị cấp cứu mỏ trước khi vào ca trực.

Bên cạnh tổ chức túc trực 24/24 giờ, tham gia phối hợp ứng cứu trước mọi tình huống sự cố mỏ xảy ra bất ngờ, Trạm đã thường xuyên rèn luyện sức khỏe, đào tạo huấn luyện thuần thục các động tác kỹ thuật cơ bản trong vận hành các thiết bị cấp cứu cho các chiến sĩ tham gia; xây dựng những tình huống giả định như khí độc, đổ lò, bục nước… tập luyện tham gia ứng cứu sự cố. Nhờ đó, từ đầu năm 2017 đến nay, Trạm đã phối hợp giải quyết thành công 2 sự cố: Khắc phục sự cố cháy mức -38 đến -58, V10 TB II, Công ty Than Mạo Khê và sự cố đổ lò tại Công ty Than Uông Bí ngày 10/6, cứu sống 1 công nhân.

Được biết hiện nay, Trung tâm Cấp cứu mỏ-TKV có 140 cán bộ, chiến sĩ làm việc tại 3 trạm: Hòn Gai, Cẩm Phả và Uông Bí. Hằng năm, Trung tâm có nhiệm vụ tham gia cùng Tập đoàn kiểm tra công tác an toàn, bảo hộ lao động, phòng chống mưa bão tại các đơn vị khai thác; định kỳ hàng quý tổ chức thỏa thuận phương án ứng cứu sự cố và tìm kiếm cứu nạn với các đơn vị hầm lò; theo dõi và cảnh báo hàm lượng khí mỏ trên hệ thống quan trắc tại Trung tâm kết nối đến các đơn vị sản xuất hầm lò. Đặc biệt, Trung tâm còn tổ chức ứng cứu mỏ 24/24 giờ tại 3 khu vực Hòn Gai, Cẩm Phả và Uông Bí.

Nhằm chuẩn bị đầy đủ về thiết bị và nhân sự, sẵn sàng tham gia giải quyết hiệu quả trước mọi tình huống, các Trạm thuộc Trung tâm luôn tập trung đào tạo huấn luyện chiến sĩ theo hướng ngày càng chuyên nghiệp hoá, đầu tư nhiều thiết bị chuyên dùng hiện đại. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã đầu tư hơn 6,6 tỷ đồng bổ sung mua sắm các trang thiết bị cần thiết. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tổ chức 80 buổi kiểm tra vào ca 2, ca 3, qua đó phát hiện hơn 1.200 lỗi liên quan đến đảm bảo an toàn lao động, kịp thời giúp các đơn vị đưa ra giải pháp khắc phục.

Lực lượng cấp cứu mỏ bán chuyên Công ty Than Thống Nhất tham gia Hội thao Kỹ thuật cấp cứu mỏ bán chuyên tại Trung tâm Cấp cứu mỏ-TKV, tháng 9/2017.

Đối với việc xây dựng lực lượng cứu hộ thường trực bán chuyên tại các công ty khai thác than hầm lò (TKV), từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tổ chức huấn luyện sử dụng thiết bị cho hơn 260 lực lượng cấp cứu mỏ bán chuyên các đơn vị; huấn luyện sử dụng thiết bị mỏ cho hơn 170 cán bộ là quản đốc công trường, phân xưởng, trưởng, phó phòng chuyên môn. Đặc biệt, cuối tháng 9 vừa qua, Trung tâm đã tổ chức huấn luyện cho 15 đơn vị sản xuất và xây dựng mỏ hầm lò tham gia Hội thao Kỹ thuật cấp cứu mỏ bán chuyên năm 2017.

Nhờ chủ động triển khai đồng loạt các giải pháp trên, tháng 10 năm 2017, Trung tâm Cấp cứu mỏ-TKV đã tham gia giải quyết khắc phục 6 vụ liên quan đến sự cố trong hầm lò, tiêu biểu như: Sự cố cháy lò chợ cơ giới hóa- 2V7 thuộc Công ty CP Than Hà Lầm; phối hợp với Công ty Than Quang Hanh, kiểm tra sự gia tăng nhiệt độ và xuất khí CO, đề xuất biện pháp xử lý để duy trì khâu lò chợ khai thác – 3V11…