Xây dựng đập và khai thác cát gây xói lở ở ĐBSCL

BVR&MT – Trồng rừng ngập mặn bảo vệ bờ biển, xây dựng tường mềm bằng tre, gỗ ngăn sóng và nuôi bãi… là một số giải pháp các chuyên gia khuyến nghị để ngăn ngừa tình trạng xói lở cũng như bảo vệ vùng bờ biển hạ du sông Mekong.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: VGP/Thế Phong

Ngày 26/5, Bộ NN&PTNT phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tổ chức hội thảo quốc gia nghiên cứu quá trình xói lở và biện pháp bảo vệ bờ biển Hội An cũng như vùng ven biển hạ du sông Mekong.

Đề cập tới tình trang xói mòn xảy ra ngày càng nghiêm trọng tại khu vực Gò Công (Tiền Giang) và U Minh (Cà Mau), đại diện 2 tỉnh đề nghị AFD hỗ trợ về tài chính và nghiên cứu về cơ chế gây xói mòn để đưa các biện pháp bảo vệ vùng biển của địa phương.

Trước đó, tháng 5/2016, AFD, EU và Viện Khoa học thủy lợi miền Nam triển khai dự án nghiên cứu quá trình xói lở và xác định các biện pháp bảo vệ bền vững cho vùng hạ du sông Mekong.

Tiến sĩ Patrick Marchesiello, chuyên gia của dự án cho biết, qua nghiên cứu bước đầu xác định nguyên nhân gây xói lở là do giảm lượng bùn cát từ sông Mekong do tác động của con người xây dựng đập ở vùng thượng nguồn và khai thác cát ở hạ lưu. Theo tính toán, nồng độ bùn cát lơ lửng đã giảm một nửa trong vòng 10 năm qua.

Bên cạnh đó, các vành đai rừng ngập mặn bị phá hủy, suy giảm thảm thực vật và việc xây dựng đê quá gần bờ biển gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái ven biển, làm gia tăng xói mòn. Ngoài ra còn có tác động biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

“Đồng bằng hình thành và được mở rộng chỉ khi nguồn trầm tích từ sông đủ lớn. Còn nếu nguồn trầm tích suy giảm sẽ gây xói lở. Do vậy, chúng tôi đang nỗ lực tìm cách giảm quá trình xói lở do sóng gây ra và tạo thuận lợi cho dòng trầm tích vào bờ và giữ lại”, TS. Patrick Marchesiello cho biết.

Cũng theo ông Patrick Marchesiello, Gò Công là khu vực chịu tác động trực tiếp do thiếu hụt trầm tích từ sông Mekong, còn ở U Minh hiện tượng xói lở xảy ra gần đây liên quan đến thảm thực vật bị suy giảm, hiện tượng sụt lún và các công trình chắn sóng cứng gây bất lợi cho việc bổ sung nguồn trầm tích tự nhiên.

Trên cơ sở đó, các chuyên gia kiến nghị nên lựa chọn các giải pháp mềm để chống xói mòn như trồng rừng, xây dựng tường mềm bằng tre, gỗ và nuôi bãi. Chỉ sử dụng công trình cứng khi thực sự cần thiết như ở Gò Công để phá sóng dạng rỗng, tức là kè bê tông có lỗ.

Cùng quan điểm trên, GS. Nguyễn Kim Đan, tư vấn của AFD cho rằng việc dùng rừng ngập mặn để bảo vệ bờ biển là mong muốn lựa chọn theo tự nhiên và GS. Đan đồng tình lựa chọn giải pháp nuôi bãi vì đây là các giải pháp mềm tối ưu đối với khu vực này hiện nay.

Tại hội thảo, đại diện EU và AFD cam kết tiếp tục hỗ trợ huy động các nguồn lực, vốn ODA để cùng với Việt Nam triển khai các biện pháp phòng ngừa, trước tác động xói mòn, biến đổi khí hậu. Qua đó phục hồi rừng ngập mặn và đường bờ biển vốn có.

Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định các ý kiến tại hội thảo là rất quan trọng, góp phần nâng cao năng lực ứng phó với hiện tượng xói lở.

Trước mắt, trên cơ sở kết quả nghiên cứu và đề xuất của các chuyên gia, Bộ NN&PTNT cùng các địa phương sẽ rà soát lại các dự án hạ tầng, triển khai biện pháp cấp bách bảo vệ bờ biển ở vùng có nguy cơ xói lở cao.