BVR&MT – Xây dựng chiến lược bảo đảm sinh kế cho người dân vùng biển; nâng cao năng lực cho cán bộ, người dân khu vực ven biển thông qua tập huấn và đánh giá rủi ro thiên tai…là những giải pháp hữu ích được các chuyên gia đề xuất nhằm giúp người dân các tỉnh ven biển giảm thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra hiện nay.
BĐKH ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống người dân ven biển
Việt Nam được đánh giá là một quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH). Những năm qua, dưới tác động của BĐKH, tần suất và cường độ các thiên tai ngày càng gia tăng, gây nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, văn hoá, xã hội, tác động xấu đến môi trường. Đặc biệt khi nước biển dâng (NBD) trong bão kèm theo sóng lớn bất ngờ có thể gây ra ngập lụt khu vực ven biển, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người dân nơi đây.
Theo Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố mới đây, nếu mực nước biển dâng 100cm, khoảng 16,8% diện tích đồng bằng sông Hồng, 1,47% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, 17,8% diện tích Tp. Hồ Chí Minh, 38,9% diện tích đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị ngập; Cụm đảo Vân Đồn, Côn Đảo và Phú Quốc có nguy cơ ngập cao.
Đối với khu vực vùng bờ, BĐKH, nước biển dâng gây ra nhiều tác động đến mọi mặt tự nhiên, kinh tế – xã hội, sức khỏe, đời sống nhân dân và an ninh, trật tự xã hội.
Báo cáo cũng chỉ rõ, các đối tượng dễ bị tổn thương nhất là ngành nông-lâm-thủy sản, hệ sinh thái (HST) tự nhiên, đa dạng sinh học (ĐDSH), tài nguyên nước, sức khỏe cộng đồng, thiệt hại về cơ sở hạ tầng…Và các khu vực dễ bị tổn thương nhất là đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, vùng duyên hải miền Trung.
Đặc biệt, Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương và dễ bị ảnh hưởng nhất khi NBD; trong đó các đối tượng dễ bị tổn thương nhất là người nghèo, dân tộc thiểu số, người già, phụ nữ, trẻ em và người khuyết tật.
Báo cáo cũng phân tích rõ, BĐKH tác động tới các HST theo nhiều cách khác nhau. Bởi khi nhiệt độ tăng sẽ tác động tới các loài động, thực vật nhạy cảm với nhiệt độ; lượng mưa giảm sẽ thu hẹp diện tích đất ngập nước ven biển, làm tăng phát thải khí nhà kính vào khí quyển do sự phân hủy của các chất hữu cơ, than bùn. BĐKH, nước biển dâng dẫn tới sự thu hẹp diện tích phân bố địa lý của vùng ven biển.
Nguy hiểm hơn, nước biển dâng sẽ làm gia tăng quá trình xâm nhập mặn ở khu vực ven biển dẫn đến thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, hệ số sử dụng đất có thể giảm từ 3-4 lần/năm xuống còn 1-1,5 lần/năm. Ngập mặn sẽ nghiêm trọng với vùng Đồng bằng Sông Hồng và đặc biệt với vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nếu nước biển dâng 100cm thì 45% diện tích đất ở Đồng bằng Sông Cửu Long bị nhiễm mặn (1,77 triệu ha), 85% dân số bị ảnh hưởng.
Hơn thế nữa, mực nước biển dâng, các công trình bảo vệ bờ biển (kè, đê biển…), cảng sẽ phải chịu tác động gia tăng của sóng do chiều sâu nước trước công trình tăng lên và mất bãi do xói lở hoặc biến mất của dải rừng phòng hộ. Mực NBD kèm mưa bão lớn hơn có thể sẽ gây ngập lụt, phá hủy cơ sở hạ tầng ở các vùng duyên hải như đường giao thông, sân bay, cầu cống và hệ thống ống dẫn.
Theo Bộ TN&MT, những năm gần đây tình trạng sạt lở bờ đê, bờ biển có diễn biến ngày càng nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng mất ổn định bờ biển, diễn ra ở ven bờ cả ba miền. Mức độ, quy mô xói lở kéo dài nhiều năm, nhưng cũng có những khu vực xói lở xảy ra bất thường gần đây với tốc độ lớn, có những khu vực xói lở xen lẫn bồi tụ.
Xói lở bờ biển đã uy hiếp trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân tại các khu ven biển, đặc biệt tại đồng bằng sông Cửu Long và dải ven biển một số tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Bình Thuận, Cà Mau là khu vực tập trung đông dân cư và nhiều hoạt động kinh tế – xã hội đang có tốc độ phát triển nhanh.
Có thể thấy, đợt triều cường vào những ngày đầu tháng 8/2019 tại ven biển Tây Cà Mau đã làm sạt lở nghiêm trọng khoảng 356 m tuyến đê Hòn Đá Bạc – Kinh Mới (thuộc đoạn đê biển phía bờ Bắc Vàm Kênh Mới). Trước tình hình trên, tỉnh Cà Mau ban bố tình trạng khẩn cấp bảo vệ đê biển Tây. Đây cũng là năm thứ tư liên tục, tỉnh Cà Mau ban bố tình trạng nêu trên trong mùa mưa bão.
Ngoài triều cường, sóng trong bão cũng tác động mạnh đến bờ biển, điển hình bão số 5 (năm 2019), tạo sóng cao 4-5m phá hủy và cuốn trôi nhiều nhà tại ven biển Bình Định…
Cần có chiến lược sinh kế cho người dân vùng biển
Theo các chuyên gia môi trường, là một nước có 28 tỉnh, thành phố ven biển, Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với thiên tai đang ngày càng gia tăng do tác động của biến đổi khí hậu. Ở một số địa phương, bờ biển đã lấn vào đất liền tới vài trăm mét, buộc hàng trăm hộ gia đình phải di dời và thay đổi sinh kế.
Do đó, cần có giải pháp tổng hợp để giúp người dân vùng biển tăng cường khả năng thích ứng BĐKH. Điều quan trọng là phải tăng cường năng lực ngay từ cấp cộng đồng, chú trọng vào việc tăng khả năng chống chịu ở tất cả các cấp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của lốc, bão, lũ lụt, hạn hán và xâm nhập mặn đối với các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó, việc khôi phục và trồng rừng ngập mặn đang làm giảm bớt tác động của triều cường và bão, đồng thời giúp hấp thụ carbon, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.
Đưa ra giải pháp thích ứng BĐKH, Tổng cục Trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi cũng cho rằng, các vùng ven biển và biển Việt Nam đang ngày càng bị đe dọa trước sự gia tăng của các hiện tượng biến đổi khí hậu cực đoan như mực nước biển dâng, bão… và đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất và sinh kế của người dân, nhất là ngành thủy sản, nông nghiệp, du lịch và vận tải biển.
Bởi vậy, cần có những chiến lược bảo đảm sinh kế biển cụ thể cho ngư dân trong tương lai. Đồng thời, đi đôi với khai thác kinh tế, phải quản lý và phát triển kinh tế biển gắn chặt với bảo vệ môi trường. Lấy việc sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, là những yếu tố nền tảng cho phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững dựa trên việc bảo toàn nguồn vốn tự nhiên biển; bảo vệ và đầu tư cho các hệ sinh thái biển, ven biển, hải đảo.
Còn theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến, việc nâng cao năng lực cho cán bộ và người dân khu vực ven biển thông qua tập huấn và đánh giá rủi ro thiên tai, rủi ro biến đổi khí hậu là rất quan trọng. Đây là nền tảng chính để hỗ trợ ổn định cuộc sống và điều kiện an toàn cho các hộ dân duyên hải thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai.
Hiện, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã phối hợp với một số đơn vị thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng do Chính phủ phát động vào năm 2009. Đến cuối năm 2021, dự án sẽ tiếp cận 520 cộng đồng ở 7 tỉnh ven biển để giúp họ đánh giá rủi ro và hỗ trợ các cộng đồng này xây dựng kế hoạch giảm nhẹ rủi ro thiên tai và khí hậu của riêng họ. Dự kiến, sẽ có hơn 10.000 người sẽ được tiếp cận thêm các thông tin về rủi ro khí hậu và thiên tai cũng như các hoạt động tăng cường khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Tiến, thông qua các khóa tập huấn này, chính quyền xã và người dân các tỉnh ven biển đã cùng nhau xác định các giải pháp phòng chống thiên tai và xây dựng kế hoạch hành động để tăng cường khả năng sẵn sàng phòng ngừa và ứng phó thiên tai và thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu.