Xây dựng Ninh Thuận sớm thành trung tâm năng lượng tái tạo

BVR&MT – Trong bối cảnh tiềm năng thủy điện gần như đã khai thác hết, nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng hạn chế, việc phát triển năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời đang là xu thế tất yếu.

Dự án nhà máy điện gió Đầm Nại (huyện Ninh Hải và Thuận Bắc) có quy mô công suất 40MW, tổng vốn đầu tư 1.523 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ dự án và đi vào sản xuất thương mại vào quý 4/2018. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Với tiềm năng và lợi thế về nắng và gió lớn nhất cả nước, tỉnh Ninh Thuận hiện đang đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư để phát triển trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.

Đẩy nhanh thu hút đầu tư

Theo quy hoạch đến năm 2030, tỉnh Ninh Thuận sẽ thu hút đầu tư các dự án năng lượng điện gió với tổng công suất 1.429 MW, điện Mặt trời với tổng công suất 3.912 MW.

Tính đến nay, Ninh Thuận có 15 dự án điện gió đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực; trong đó, có 12 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư với quy mô công suất khoảng 748,75 MW, tổng vốn đăng ký khoảng 27.577 tỷ đồng.

Đồng thời, tỉnh có 25 dự án điện Mặt Trời cũng đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực. Trong đó, có 18 dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư với quy mô công suất 999 MW, tổng vốn đăng ký hơn 27.876 tỷ đồng.

Để sớm trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, tỉnh Ninh Thuận đang tập trung đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư được hưởng các ưu đãi theo khung quy định của Chính phủ về giảm giá thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, đầu tư cơ sở hạ tầng để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án năng lượng tái tạo.

Cụ thể, các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ được miễn tiền thuê đất cho cả thời gian thuê thực hiện dự án; được áp dụng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10%; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm; giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Đồng thời, dự án được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hậu cho biết với tiềm năng lớn về nắng và gió, Ninh Thuận hoàn toàn có khả năng trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Theo đó, tỉnh ưu tiên các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, công nghệ hiện đại và quyết tâm cao nhất để thực hiện các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian tới, Ủy ban Nhân dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Sở, ban ngành phối hợp với các nhà đầu tư đẩy nhanh giải quyết những vướng mắc còn tồn đọng về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng để các dự án năng lượng tái tạo sớm được thực hiện.

Các dự án điện gió, điện mặt trời sau khi đi vào hoạt động thương mại sẽ có những đóng góp rất lớn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Sớm trở thành trung tâm năng lượng tái tạo

Để xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, Ủy ban Nhân dân Ninh Thuận đã có văn bản kiến nghị với Bộ Công Thương xem xét, rà soát và rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ thiết kế cơ sở. Cùng đó, thiết kế kỹ thuật bản vẽ thi công các dự án năng lượng tái tạo, nhất là các dự án điện mặt trời.

Điều này nhằm tạo điền kiện cho các nhà đầu tư triển khai xây dựng các nhà máy điện gió, điện mặt trời sớm đưa vào vận hành để hưởng được cơ chế giá theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.

Đồng thời, kiến nghị Bộ Công Thương nghiên cứu ban hành quy chuẩn kỹ thuật về điện gió, điện mặt trời để phục vụ quản lý nhà nước.

Ông Phạm Đăng Thành, Giám đốc Sở Công Thương Ninh Thuận, cho hay nhằm tạo điều kiện thuận lợi để đấu nối lưới điện khi các nhà máy điện gió, điện mặt trời đi vào hoạt động, tỉnh kiến nghị Chính phủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật truyền tải điện để đáp ứng quy mô phát triển.

Bởi hiện nay, hệ thống lưới truyền tải điện trên địa bàn tỉnh còn yếu, chủ yếu phục vụ việc phụ tải phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, chưa đáp ứng được yêu cầu giải phóng hết công suất các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh kiến nghị Chính phủ sớm xem xét điều chỉnh tăng giá bán điện gió hiện nay (7,8 UScent/kWh) cũng như xem xét kéo dài thời gian áp dụng chính sách giá bán điện mặt trời tại Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg.

Hiện, các chủ dự án nhà máy điện gió, điện Mặt Trời ở Ninh Thuận đang gấp rút xây dựng các hạng mục công trình để hoàn thành theo đúng tiến độ cam kết.

Dàn pin năng lượng mặt trời thuộc Dự án Nhà máy Điện mặt trời BIM 1 (xã Phước Minh, huyện Thuận Nam). (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Về điện gió, đến nay có 4 dự án đã tiến hành khởi công xây dựng và dự kiến trong năm 2018 sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động sản xuất thương mại; trong đó, dự án điện gió Đầm Nại xây dựng tại huyện Ninh Hải và Thuận Bắc do Công ty Cổ phần Điện gió Đầm Nại làm chủ đầu tư, quy mô công suất 40MW, tổng vốn đầu tư 1.523 tỷ đồng.

Đến nay, chủ đầu tư đã đưa 3 turbin, công suất 6 MW thuộc giai đoạn 1 đi vào hoạt động, đồng thời chủ đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng giai đoạn 2, dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2018.

Bên cạnh đó, 3 dự án điện gió khác cũng đã tiến hành khởi công xây dựng, dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 và đi vào hoạt động trong năm 2018 gồm: Nhà máy điện gió Mũi Dinh xây dựng tại huyện Thuận Nam do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện gió Mũi Dinh làm chủ đầu tư, quy mô công suất 37,6 MW, tổng vốn đầu tư 1.472 tỷ đồng.

Nhà máy điện gió Trung Nam xây dựng tại huyện Thuận Bắc do Công ty Cổ phần Điện gió Trung Nam làm chủ đầu tư, quy mô công suất 105,75 MW, tổng vốn đầu tư 3.965 tỷ đồng. Nhà máy điện gió Công Hải 1 xây dựng tại huyện Thuận Bắc do Tổng Công ty Phát điện 2 làm chủ đầu tư, quy mô công suất 40,5 MW, tổng vốn đầu tư 1.190 tỷ đồng.

Về lĩnh vực điện mặt trời, hiện tại có 3 dự án đã tiến hành khởi công và dự kiến trong năm 2018 sẽ đi vào hoạt động sản xuất thương mại, bao gồm: Nhà máy điện mặt trời Bim do Công ty Cổ phần năng lượng Bim làm chủ đầu tư, xây dựng tại huyện Thuận Nam, công suất 30 MW, tổng vốn đầu tư 797 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành dự án vào Quý 4/2018.

Nhà máy điện mặt trời hồ Bầu Ngứ do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển Trường Thành làm chủ đầu tư xây dựng tại huyện Thuận Nam, công suất 50 MW, tổng vốn đầu tư 1.150 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành 34 MW đầu tiên trong quý 4/2018.

Nhà máy điện mặt trời CMX Renewable Energy Việt Nam do Công ty Cổ phần CMX Re Sunseap Việt Nam làm chủ đầu tư xây dựng tại huyện Ninh Sơn, công suất 168MW, tổng mức đầu tư gần 4.400 tỷ đồng. Đây là dự án điện mặt trời có quy mô lớn nhất Việt Nam đến thời điểm hiện nay.

Dự kiến, nhà máy điện Mặt Trời sẽ hoàn thành và hòa lưới điện vào tháng 6/2019.