Xã La Bằng, huyện Đại Từ (Thái Nguyên): Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững có ý nghĩa tác động rất lớn

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (2016 -2020)

BVR&MT – La Bằng là một xã nghèo (thuộc xã vùng 1) thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Có vị trí địa lý nằm trải dài dưới chân Tam Đảo, cơ cấu dân số của xã chủ yếu là người dân tộc. Kinh tế, thu nhập của bà con nhân dân dựa vào trồng cây nông nghiệp (lúa, ngô, chè) và cây lâm nghiệp (cây keo).

Hệ thống giao thông nông thôn được bê tông hóa nhờ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020.

La Bằng cũng được biết đến là nơi thành lập chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên vào tháng 3/1936, tại xóm Lau Sau, gồm 4 Đảng viên đều là người dân tộc Nùng. Ngày 15/9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xã La Bằng thăm nơi ở và làm việc của cán bộ cao cấp Bộ Tổng tham mưu.

Cây chè, được Đảng bộ xã La Bằng ban hành nghị quyết chuyên đề xác định là cây thoát nghèo, giúp nhân dân trong xã vươn lên làm giàu

Trước đây, kinh tế La Bằng chủ yếu dựa vào cây lúa và trồng màu. Từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 được triển khai ở La Bằng làm mô hình điểm của huyện để nhân rộng. Những năm gần đây toàn xã đã tiến hành chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng sang cây chè, từ đó đã gặt hái được những thành công ban đầu.

Chè là cây trồng chủ lực

Cây chè xuất hiện ở La Bằng từ cuối thế kỷ 19, được đánh giá là vùng đất sản xuất chè ngon đặc biệt của Thái Nguyên. Vốn là loại cây truyền thống tại địa phương, song song với phát triển cây Chè xã vẫn phát triển trồng lúa và trồng rừng kinh tế….

Người dân xã La Bằng đang thu hoạch chè.

Năm 2017 là năm thứ 3 thực hiện nghị quyết Đảng bộ xã khóa  XXIII, Nghị quyết HĐND xã khóa XIX, phấn đấu nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, và tiến tới giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Xác định mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội nâng cao đời sống nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm, từ đó từng bước giúp La Bằng thoát nghèo. Ngay từ đầu nhiệm kỳ Đảng bộ xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề thực hiện, giao UBND xã xây dựng kế hoạch triển khai

Một trong những mô hình trồng chè giúp người dân thoát nghèo ở La Bằng

Bám sát sự lãnh đạo của Đảng, UBND xã La Bằng đã hiện thực hóa chủ trương bằng việc xây dựng kế hoạch thực hiện, cụ thể hóa bằng những hành động như: Xây dựng mô hình phát triển kinh tế thoát nghèo từ cây chè.

Từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình phát triển kinh tế – xã hội giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020: UBND xã đã thực hiện tuyên truyền vận động, hỗ trợ vốn, đầu tư xây dựng, bê tông hóa giao thông nông thôn, hệ thống tưới tiêu phục vụ sản xuất, phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện mở 10 lớp hướng dẫn kỹ thuật vụ xuân cây chè cho nhân dân trong xã.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng mạnh mẽ sang cây chè đã giúp La Bằng từng bước thoát nghèo.

Tính 6 tháng đầu năm diện tích chè kinh doanh 290 ha (tăng 20ha so với năm 2016), cho năng suất, sản lượng, giá bán ổn định, từ đó thu nhập từ cây Chè từng bước được cải thiện.

Tính đến tháng 7/2017 nhân dân trong xã tiếp tục thực hiện đăng ký trồng thay thế chè được 14,2ha, chè La Bằng đã được đăng ký nhãn hiệu, hiện tại xã có 2 HTX chè và 10 làng nghề chè truyền thống…

Mô hình trồng chè áp dụng tiêu chuẩn VietGap của hộ gia đình bà Triệu Thị Lý

Nhiều mô hình trồng chè áp dụng theo tiêu chuẩn VietGap được nhân rộng ở La Bằng đã cho năng suất, chất lượng, sản lượng, giá bán ổ định. Nhờ đó năm 2017 diễn ra lễ hội người đẹp xứ chè, tỉnh Thái Nguyên đã chọn La Bằng là địa điểm tổ chức chương trình.

Áp dụng tiêu chuẩn ViêtGap vào sản xuất chè ở La Bằng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây

Ý nghĩa từ “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững”

Giao thông nông thôn được bê tông hóa từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển kinh tế ở địa phương

Bằng nguồn vốn hỗ trợ cho xã phát triển kinh tế – xã hội tiến tới giảm nghèo, tính đến nay các trục giao thông liên xã, trục giao thông chính của xã, ngõ, xóm đều được đầu tư bê tông hóa. Xây dựng kiên cố, nạo vét được khoảng 24,4km kênh mương nội đồng đảm bảo cho công tác tưới tiêu trong sản xuất, xây dựng mới được 7 nhà văn hóa/10 thôn.

Ngoài ra, thực hiện QĐ số 755 xã đã hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, giải ngân nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số với tổng số tiền là 50.000.000 đồng.

Ông Triệu Văn Đông (bên phải) – Chủ tịch UBND xã La Bằng trao đổi cùng phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường điện tử.

Trao đổi với phóng viên, ông Triệu Văn Đông – Chủ tịch UBND xã La Bằng cho biết: “UBND xã đặc biệt quan tâm đến công tác giảm nghèo, hàng năm lộ trình giảm nghèo bền vững trên cơ sở nghị quyết Đảng bộ xã lần thứ XXIII là giảm từ 1 – 1,5%. Để thực hiện được những kế hoạch đề ra, địa phương tập trung thế mạnh cây chè là cây chủ lực. Hiện nay diện tích chè của xã là gần 400ha năng suất đạt từ 113 – 115 tạ/ha.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 có tác động rất lớn đối với địa phương, từ đó giúp địa phương xác định được cây gì, con gì làm thế mạnh giúp địa phương bứt phá phát triển kinh tế – xã hội, La Bằng đã xác định cây chè là cây mũi nhọn, tập trung chỉ đạo giúp các hộ trong giai đoạn nghèo từng bước phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Do tập trung trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nên việc tái nghèo ở địa phương rất ít chủ yếu do yếu tố khách quan như bệnh tật, hỏa hoạn…”.

Do thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quôc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, đến nay nhiều thành quả đáng ghi nhận ở La Bằng như: tỷ lệ hộ chuẩn nghèo đa chiều giảm xuống còn 5,46%, cận nghèo giảm xuống còn 5,66%, tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên là 2652/4048 người. Tính đến hết năm 2016 thu nhập bình quân đầu người đạt 36.000.000 – 37.000.000 đồng/người/năm.

Đối với Công tác quản lý bảo vệ rừng, UBND xã đã chỉ đạo đài phát thanh xã, UBMT tổ quốc xã phối hợp thực hiện tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân về công tác bảo vệ, chăm sóc và phòng chống cháy rừng. Xây dựng quy chế phối hợp trách nhiệm bảo vệ rừng tại các cơ sở, làm tốt công tác kiểm tra giám sát quản lý khai thác, vận chuyển, chế biến gỗ và lâm sản. Kiên quyết xử lý các vụ  vi phạm về khai thác, vận chuyển lâm sản. Đến nay diện tích trồng rừng phân tán là 6 ha (trồng mới).

Từ những thành quả đã đạt được La Bằng sớm sẽ là mô hình điểm của huyện Đại Từ nhân rộng giúp nhân dân từng bước thoát nghèo và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 -2020 ở Đại Từ sẽ đạt được những kết quả bền vững.

Phượng Long