Vùng áp thấp đã mạnh thành áp thấp nhiệt đới

BVR&MT – Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, chiều nay (21-7), vùng áp thấp trên khu vực Bắc Bộ đã dịch chuyển về phía ven biển Bắc Bộ và mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới.

Hồi 19 giờ ngày 21-7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 19,6 độ Vĩ Bắc; 106,4 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Nam Định đến Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 50 km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên): toàn bộ khu vực Vịnh Bắc Bộ.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Đông sau đổi hướng Đông Đông Bắc mỗi giờ đi được 5-10 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 19 giờ ngày 22-7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc; 108,6 độ Kinh Đông, cách huyện đảo Bạch Long Vĩ khoảng 100 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60 km/giờ), giật cấp 8. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 60 km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Do ảnh hưởng cùa hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, trên đất liền ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An có gió giật cấp 6-7; ở vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ và Cô Tô) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8 và có mưa dông mạnh. Biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới trên vịnh Bắc Bộ: cấp 3.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 km.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên trong đêm nay và ngày mai (22-7), ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ, khu vực bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan tiếp tục có mưa dông mạnh. Khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau tiếp tục có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao từ 2-3m; biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

Tin cuối cùng về áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía bắc Biển Đông

Hồi 19 giờ ngày 21-7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 120,8 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc Lu-dông (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60 km/giờ), giật cấp 9. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 60 km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Đông Bắc mỗi giờ đi được 15-20 km. Đến 19 giờ ngày 22-7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 21,5 độ Vĩ Bắc; 124,0 độ Kinh Đông, cách đảo Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 330 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60 km/giờ), giật cấp 9.

Như vậy, áp thấp nhiệt đới đã đi ra phía đông kinh tuyến 120 độ Kinh Đông và không còn ảnh hưởng đến khu vực bắc Biển Đông. Đây là thông tin cuối cùng về áp thấp nhiệt đới này.

Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn diện rộng

Chiều 21-7, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai – Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã ra công điện gửi Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ và các Bộ, ban ngành về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) và mưa lớn diện rộng.

Để chủ động ứng phó với ATNĐ và mưa lớn diện rộng, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo T.ƯPCTT đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai nghiêm túc công điện số 931/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các công điện của Ban chỉ đạo T.Ư về PCTT và Ủy ban quốc gia Ứng phó SCTT và TKCN đối với khu vực trên biển và ven bờ: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ trên các phương tiện thông tin; thông báo, hướng dẫn cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền, tàu du lịch đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển để thoát ra, hoặc không đi vào vùng nguy hiểm. Vùng nguy hiểm được cập nhật theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia.

Tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, các hoạt động kinh tế trên biển và ven biển để bảo đảm an toàn về người và tài sản, đặc biệt đối với khách du lịch trên biển và trên các đảo.

Đối với khu vực đất liền: Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, ATNĐ; thông tin cảnh báo kịp thời đến chính quyền và người dân để chủ động phòng, tránh, đặc biệt là đối với mưa lớn, ngập úng, dông lốc; chủ động triển khai phương án ứng phó theo “phương châm 4 tại chỗ”. Triển khai phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, hạ du hồ chứa, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp.

Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở, vùng ngập sâu, chia cắt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Ban chỉ huy PCTT và TKCN các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó với ATNĐ và mưa lớn diện rộng.