Vụ ngộ độc thực phẩm ở Hà Giang: Bộ Y tế vào cuộc

BVR&MT – Ngày 03/10, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã xảy ra 03 trường hợp tử vong và nhiều bệnh nhân phải nhập viện điều trị nghi ngờ liên quan đến bữa cỗ ăn hỏi ngày 01/10 tại gia đình ông Lý Seo Hỏa (thôn Lùng Vùi, xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên).

Hà Giang: Ngộ độc thức ăn 3 người tử vong, 38 người nhập viện

Vụ ngộ độc thực phẩm ở Hà Giang: Số nạn nhân đã nâng lên con số 48

Các bệnh nhân đang được  điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Sáng 04/10, theo thông tin phóng viên nhận được từ Sở Y tế tỉnh Hà Giang , đã có 48 người bị ngộ độc sau lễ ăn hỏi ở thôn Lùng Vùi, xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Trong đó, có 37 bệnh nhân đang điều trị tại BV đa khoa huyện Vị Xuyên, 8 trường hợp đang chuyển từ tuyến xã lên BV huyện, 3 trường hợp đã tử vong ở xã Thượng Sơn.

Trước tình hình trên, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm – Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành Trung ương về Vệ sinh an toàn thực phẩm đã có công văn đề nghị Đồng chí Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân và Đồng chí Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Giang chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai gấp các nội dung sau:

Cấp cứu và điều trị tích cực cho các bệnh nhân, đối với các bệnh nhân có biểu hiện xấu cần chuyển lên tuyến trên để điều trị kịp thời.

Tổ chức điều tra, xác định rõ nguyên nhân vụ việc. Truy xuất nguồn gốc thực phẩm; phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo quy định và công khai kết quả điều tra trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm đối với bữa ăn đông người, tiệc cưới, đám giỗ… Tập trung tuyên truyền, vận động người dân thực hiện vệ sinh ăn uống; vệ sinh trong chế biến, bảo quản thức ăn; bảo đảm nguồn nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm chế biến ăn ngay và nguồn nước chế biến an toàn; không sử dụng thức ăn tái, sống, nguyên liệu thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm nghi ngờ ô nhiễm để chế biến thức ăn.

Tăng cường thanh tra, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh dịch ăn uống, bữa ăn tập trung đông người, tiệc cưới, đám giỗ…; chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra.

Báo cáo kết quả triển khai về Cục An toàn thực phẩm để tổng hợp, báo cáo Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về Vệ sinh an toàn thực phẩm và Bộ trưởng Bộ Y tế theo quy định.

Hoàng Tưởng