VQG Pù Mát – Vẻ đẹp và tiềm năng (Kỳ 2): Ngôi nhà chung của cộng đồng các dân tộc bản địa

BVR&MT – Thiên nhiên Pù Mát đẹp và quyến rũ là điều đã được khẳng định, tuy nhiên tính đa dạng trong cộng đồng các dân tộc bản địa cũng là một nhân tố đặc biệt làm nên sức cuốn hút cho “kho vàng xanh” nơi miền Tây Nghệ An.

VQG Pù Mát – Vẻ đẹp và tiềm năng (Kỳ 1): “Bảo tàng tự nhiên” đáng tự hào của Việt Nam

Là vùng đất còn lưu giữ được nhiều nét hoang sơ do thiên nhiên ban tặng, Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) miền Tây Nghệ An nói chung và Vườn Quốc gia (VQG) Pù Mát nói riêng là nơi cư trú lâu đời của của cộng đồng 6 dân tộc thiểu số anh em (theo “Cẩm nang khu DTSQ miền Tây Nghệ An” – Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành năm 2016) bao gồm: Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu và tộc người Đan Lai.

Mỗi dân tộc lại chia thành các nhóm, các hệ nhỏ hơn tùy theo vị trí phân bố và phương thức sản xuất, sinh hoạt hàng ngày. Mặc dù vậy, họ vẫn giữ được những nét đặc trưng riêng có và tạo nên tính đa dạng về bản sắc cho vùng đất này.

Bộ phận dân cư lớn nhất đóng vai trò rất quan trọng trong việc thay đổi bộ mặt miền núi Tây Nghệ An về lịch sử cũng như đương đại là dân tộc Thái. Trên toàn bộ diện tích VQG Pù Mát, người Thái sinh sống và định cư chủ yếu tại vùng đệm thuộc địa giới cả 3 huyện: Con Cuông, Tương Dương và Anh Sơn.

Nhà sàn của dân tộc Thái tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, thuộc vùng đệm của VQG Pù Mát.

Không gian sinh sống của người Thái là nhà sàn có mái tròn khum hình mai rùa, hai đầu mái hồi có khau cút, sàn nhà dài và cao, có hồi làm tiền sảnh. Ngôi nhà thường mát mẻ về mùa hè để thích nghi với khí hậu nóng nực đặc trưng khi những cơn gió Lào oi bức ùa về từ dãy Trường Sơn.

Những món ăn mang đậm hương vị truyền thống của dân tộc Thái. (Trong ảnh: Phụ nữ người Thái tại Môn Sơn – Con Cuông – Nghệ An trưng bày các món ăn truyền thống trong ngày hội văn hóa các dân tộc của địa phương)

Phụ nữ dân tộc Thái thường mặc áo cánh ngắn, đủ màu sắc, đính khuy bạc chạy dọc trên đường nẹp xẻ ngực, bó sát thân, kèm với váy vải màu thâm, hình ống, thắt eo. Lương thực chính của họ là gạo nếp được đồ thành xôi, được chế biến cùng với nguồn thực phẩm phong phú như: Gà, cá, lợn, rượu cần…

Cũng có nhiều điểm tương đồng với người Thái là cộng đồng dân tộc Khơ Mú. Họ sinh sống chủ yếu bằng canh tác nương rẫy, săn bắn và hái lượm. Đồ ăn thường có xôi độn ngô, sắn ăn chung với các món có vị cay, chua, đắng, có mùi như chẻo, nậm pịa, cá chua… Trang phục phụ nữ Khơ Mú khá giống với người Thái, chỉ khác là cách trang trí dùng tiền bạc và vỏ ốc.

Quen ăn nước mạch trong các khe núi. Không có thói quen đưa nước lần về tận nhà. Hàng ngày, phụ nữ và trẻ em Khơ Mú hứng nước mạch vào các ống bương, gánh về nhà. (Nguồn: vov.vn)

Những dòng họ người Khơ Mú đều mang tên thú, chim, cây cỏ… Đây cũng chính là điểm đặc sắc trong mối quan hệ xã hội của dân tộc này. Ngoài Tết nguyên đán, người Khơ Mú còn ăn Tết cơm mới được tổ chức sau vụ gặt tháng 10 âm lịch hàng năm.

Một trong những tộc người có dân số thuộc hàng ít nhất Việt Nam hiện nay là tộc người Ơ Đu, hiện đang sinh sống trên địa bàn xã Nga My, huyện Tương Dương. Theo số liệu thống kê mới đây thì số nhân khẩu của dân tộc này chỉ còn khoảng 400 người.

Các khách quan chụp ảnh lưu niệm tại bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương, nơi sinh sống hiện tại và duy nhất của dân tộc Ơ Đu.

Tộc người Ơ Đu từ xa xưa từng rất phồn thịnh và có nền văn hóa đặc sắc. Trước đây, họ sống độc lập, có “nhà nước”, có nhiều bầy voi và có vua cai trị. Họ sống bằng nghề chài lưới, phát nương làm rẫy, buôn bán trên sông với nhiều thuyền bè tấp nập ngược xuôi.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại dân tộc Ơ Đu đang bị đồng hóa với tốc độ ngày càng nhanh trước sự xâm thực của văn hóa đương đại, đặc biệt là văn hóa dân tộc Thái, Khơ Mú, Kinh. Không gian văn hóa truyền thống của người Ơ Đu cũng như các phong tục, tập quán, tín ngưỡng và ngôn ngữ đang dần bị mai một.

Ngoài ra, trên địa bàn quản lý của VQG Pù Mát, một tộc người cũng đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đó là tộc người Đan Lai. Họ sinh sống rải rác trên địa bàn các huyện miền Tây Nghệ An và có nhiều điểm tương đồng về ngôn ngữ, văn hóa với các nhóm địa phương khác trong cộng đồng dân tộc Thổ.

Một nếp nhà của người Đan Lai, thuộc bản Cò Phạt, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông.

Phương thức mưu sinh của đồng bào Đan Lai từ bao đời nay được tổ chức theo hình thức khép kín, tự cung tự cấp và lệ thuộc nhiều vào tự nhiên. Mặc dù vậy, các sản phẩm của nông nghiệp trồng trọt, chăn nuôi chưa bao giờ đáp ứng được toàn bộ nhu cầu của cuộc sống buộc họ phải khai thác các sản phẩm sẵn có của tự nhiên.

Đồng lúa xanh tươi của đồng bào Đan Lai. Cách đó không xa là những cánh rừng nguyên sinh của vùng lõi VQG Pù Mát.

Hiện nay, mối quan tâm lớn nhất đối với tộc người Đan Lai chính là giải quyết hài hòa bài toán tái định cư và ổn định đời sống kinh tế bởi họ là tộc người duy nhất hiện vẫn đang sinh sống trong vùng lõi, có thể tác động trực tiếp đến tính đa dạng và nguyên sinh của VQG. Điều này đòi hỏi những giải pháp mang tính bền vững và ưu việt đến từ các Cơ quan, Ban, ngành Trung ương và tỉnh Nghệ An trong công tác bảo tồn và phát triển VQG Pù Mát trong thời gian tới.

Hậu Thạch