VIFA chia sẻ kinh nghiệm Dự án REDD+ Tả Ngải Chồ – Lào Cai

BVR&MT – Sáng ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội KHKT Lâm nghiệp Việt Nam (VIFA) đã tổ chức Hội thảo chia sẻ kết quả và kinh nghiệm của Dự án REDD+ tại xã Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai.

Toàn cảnh Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có PGS.TS Triệu Văn Hùng, Chủ tịch VIFA, Trưởng ban điều hành dự án, ông Đỗ Văn Nhuận, Thư ký VIFA, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên Quỹ Môi trường toàn cầu Chương trình các tài trợ nhỏ (UNDP/GEF SGP), cùng đại diện Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT, Văn phòng Chính phủ, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực lâm nghiệp và môi trường.

Dự án REDD+ Tả Ngải Chồ – Lào Cai tên đầy đủ là: “Dự án Tăng cường năng lực cộng đồng thôn bản trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch nhằm hạn chế mất rừng và suy thoái rừng ở xã Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai góp phần quản lý rừng bền vững và sẵn sàng thực hiện REDD+ ở cấp tỉnh” do VIFA phối hợp với UNDP/GEF SGP thực hiện. Sau 2 năm triển khai (từ 01/01/2015 đến 31/12/2016), vừa qua Dự án đã “cán đích” thành công thông qua Lễ tổng kết ngày 27/04 tại được tổ chức tại UBND xã Tả Ngải Chồ.

PGS.TS Triệu Văn Hùng, Chủ tịch VIFA, Trưởng ban điều hành dự án.
Theo báo cáo của VIFA, Tả Ngải Chồ là xã vùng cao biên giới thuộc huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, có diện tích 2.137 ha, trong đó diện tích rừng là 1.074,1 ha, chủ yếu là rừng phòng hộ đang suy thoái mạnh. Toàn xã có 533 hộ, với 2.738 nhân khẩu và 100% là đồng bào dân tộc H’Mông. Tỉ lệ hộ nghèo của Tả Ngải Chồ là 44,76 %. Xã mới đạt 3/19 tiêu chí Nông thôn mới.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Triệu Văn Hùng thay mặt VIFA đã trình bày đến các vị đại biểu những nét nổi bật của Dự án bao gồm: Nâng cao nhận thức của cộng đồng xã Tả Ngài Chồ và các bên có liên quan về vai trò, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên đặc biệt là cộng đồng trong xây dựng và thực hiện kế hoạch BV&PTR, Xây dựng và thực hiện kế hoạch BV&PTR góp phần hạn chế mất rừng và suy thoái rừng ở xã Tả Ngài Chồ, Xây dựng, vận hành và chuyển giao mô hình Quỹ phát triển sinh kế cộng đồng góp phần thực hiện kế hoạch BV&PTR bền vững và hiệu quả, Thiết kế thí điểm Cơ chế giám sát, phản hồi về các hoạt động của dự án, Đúc kết những bài học kinh nghiệm của Dự án, chia sẻ và nhân rộng mô hình.

Trải qua thời gian thực hiện không dài, tuy nhiên Dự án đã đem lại những kết quả khả quan đối với cộng đồng thôn bản Tả Ngải Chồ. Hiện tại, ý thức BV&PTR của bà con dân tộc H’Mông của địa phương đã được cải thiện rõ rệt, không còn hiện tượng chặt phá rừng, đốt rừng làm nương rẫy. Các mô hình sinh kế như nuôi gà, nuôi lợn, trồng ngô, trồng hồi, ấp trứng… đạt hiệu quả tốt, mang lại thành quả cho 60 hộ trực tiếp tham gia. Quỹ sinh kế quay vòng cho các phép các hộ vay vốn bình đẳng, tạo nên tính bền vững trong phát triển kinh tế thôn bản gắn với bảo vệ rừng, từng bước cải thiện môi trường về lâu dài.

Bên cạnh đó, Dự án đã rút ra những bài học bổ ích về cơ chế giám sát và phản hồi, tuyên truyền và tập huấn kỹ thuật, sự phối hợp giữa các bên liên quan, quỹ phát triển sinh kế, quản lý dự án… nhằm bổ sung những kinh nghiệm quý cho việc thực hiện và triển khai những chương trình, dự án tiếp theo.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên UNDP/GEF SGP.

Về phía nhà tài trợ, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên UNDP/GEF SGP khẳng định việc nghiên cứu, đầu tư cho Dự án REDD+ Tả Ngải Chồ – Lào Cai nói riêng, các dự án về bảo vệ, chống suy thoái rừng, phòng chống biến đổi khí hậu nói chung là một trong những ưu tiên mà UNDP/GEF SGP sẽ tiếp tục đồng hành, triển khai cùng các đối tác nhằm đạt kết quả tối ưu nhất trong thời gian tới.

Ông Trần Ngọc Tuệ, Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật lâm sinh giới thiệu về Dự án xây dựng mô hình bếp đun cải tiến cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Quảng Trị.

Cũng tại Hội thảo, đại diện các Dự án xây dựng mô hình nông nghiệp về lâm sản, cải thiện đời sống dân tộc, khai thác tài nguyên nước đến từ Thanh Hóa, Nghệ An, và Quảng Trị do UNDP/GEF SGP tài trợ đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện tại địa phương. Đây là những đóng góp vô cùng hữu ích, được các đại biểu tham dự Hội thảo đánh giá cao.

Hậu Thạch