Vì sao Lâm Đồng không lập hội đồng bồi thường cho dự án đường cao tốc?

BVR&MT – Trên cơ sở đề xuất của Sở TN&MT, UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất không lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với hai đoạn thuộc dự án đường cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc – Liên Khương.

Ngày 30/10, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã thống nhất không thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thuộc dự án đường cao tốc đoạn Tân Phú – Bảo Lộc và đoạn Bảo Lộc – Liên Khương.

Cụ thể, UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất không thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại các huyện Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và TP.Bảo Lộc. Đây là những địa phương có dự án đường bộ cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương đi qua.

Quyết định nói trên của UBND tỉnh Lâm Đồng căn cứ theo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT).

Đoạn cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc sẽ song song với Quốc lộ 20. (Ảnh: Võ Nhi)

UBND tỉnh Lâm Đồng giao các huyện và TP.Bảo Lộc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng và tái định cư đối với dự án đường cao tốc nói trên.

Những địa phương chưa có Tổ chức phát triển quỹ đất (tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng) hoặc có nhu cầu cần thiết, UBND cấp huyện được ký hợp đồng với một trong số tổ chức phát triển quỹ đất trên địa bàn tỉnh để bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư theo quy định.

Trước đó, tại báo cáo gửi UBND tỉnh ngày 26/9, Sở TN&MT Lâm Đồng cho biết theo quy định hiện hành, ngoài Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì tổ chức dịch vụ công về đất đai cũng có nhiệm vụ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Trên địa bàn các huyện, thành phố của tỉnh Lâm Đồng hiện nay đã có các tổ chức được lập để làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Đối với dự án đường cao tốc đoạn Tân Phú – Bảo Lộc và đoạn Bảo Lộc – Liên Khương, UBND các huyện và thành phố nơi có dự án đi qua đã được giao làm chủ đầu tư dự án thành phần về công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

Theo Sở TN&MT, về nhiệm vụ lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh đã giao Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên môi trường và Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, trực thuộc Sở TN&MT, thực hiện.

Do đó, Sở TN&MT đề xuất không thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại các địa phương nơi có dự án đường cao tốc đi qua. Lý do bởi đã có tổ chức dịch vụ công làm nhiệm vụ này, cụ thể ở đây là Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên môi trường và Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh.

Đường cao tốc đoạn Tân Phú – Bảo Lộc và đoạn Bảo Lộc – Liên Khương là hai hợp phần của dự án đường cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc – Liên Khương, đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai và tỉnh Lâm Đồng.

Đoạn cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc có tổng chiều dài 66km trong đó có 11km đi qua tỉnh Đồng Nai. Mức đầu tư của đoạn cao tốc này dự kiến khoảng 17.000 tỷ đồng, trong đó 6.500 tỷ đồng là vốn ngân sách Nhà nước, sau 20 năm sẽ hoàn vốn.

Có tổng chiều dài 74km, đoạn cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương giai đoạn đầu với chiều rộng đường 17m sẽ có mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách địa phương khoảng 1.500 tỷ đồng dành cho bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Thông tin về tiến độ thực hiện dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc – Liên Khương mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đoạn Tân Phú – Bảo Lộc dự kiến sẽ khởi công vào cuối năm 2023, chậm nhất tháng 2/2024. Trong khi đó, đoạn Bảo Lộc – Liên Khương chỉ mới thống nhất phương án thiết kế.