Vì sao Kon Tum chuyển 200 ha rừng thông sang trồng mắc ca?

BVR&MT – Việc khai thác rừng thông kém hiệu quả để trồng một số loại cây nông nghiệp có giá trị cao là phù hợp với định hướng phát triển của Chính phủ, cũng như định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Kon Tum.

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum Nguyễn Trung Hải tại buổi họp báo.

Ngày 31/8, tỉnh Kon Tum tổ chức họp báo về việc chuyển đổi gần 200 ha rừng thông sang trồng cây mắc ca tại huyện Kon Plông.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum tại buổi họp báo này, thì Bộ NN&PTNT đã có Quyết định 5940/QĐ-BNN-TCLN ngày 5/4/2016 phê duyệt quy hoạch phát triển cây mắc ca vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đến năm 2020, tiềm năng phát triển đến năm 2030. Trong đó, vùng Tây Nguyên là 5.940 ha, riêng tỉnh Kon Tum là 290 ha được trồng tại 3 huyện Kon Plông, Đăk Glei và Tu Mơ Rông.

Hiện nay, cây mắc ca đã được trồng thành công tại huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk. Ngành NN&PTNT và TN&MT tỉnh Kon Tum đã khảo sát và nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng của huyện Kon Plông tương đồng với huyện Krông Năng, nên việc trồng mắc ca tại huyện Kon Plông được đánh giá là khả thi.

Cũng theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum, 198,9 ha rừng thông được tỉnh cho phép Công ty TNHH Đăng Vinh chuyển sang trồng cây mắc ca đã đủ tuổi khai thác (tuổi cây từ 20-25 năm), sản lượng bình quân đạt thấp, chỉ 50m3/ha (trong khi đó rừng thông trồng nguyên liệu giấy ở tuổi 16 đã đạt 140 m3/ha). Hơn nữa, đây là khu vực không thuộc quy hoạch phát triển khu du lịch sinh thái của tỉnh Kon Tum, lại nằm khá xa khu dân cư và cách trung tâm huyện hơn 6 km.

Đây chính là lý do để UBND tỉnh Kon Tum có chủ trương chuyển đổi sang phát triển các loại cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó có cây mắc ca, nhằm tái cơ cấu và nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Đến nay, tại huyện Kon Plông có 6 dự án phát triển nông nghiệp đã có chủ trương đầu tư trên tổng diện tích 480,81 ha, trong đó đất rừng thông trồng là 400,43 ha, còn lại là đất chưa có rừng.

Ông Nguyễn Trung Hải, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum cho biết: Theo Nghị quyết 64/2016/NQ-HĐND tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh, thì diện tích đất để phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Kon Plông là 3.000 ha. 198,9 ha rừng chuyển đổi sang trồng mắc ca này nằm trong quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh tại huyện Kon Plông.

Dự án trồng mắc ca được triển khai ảnh hưởng không nhiều đến môi trường. Nếu không chuyển sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thì diện tích rừng thông này cũng khai thác trồng lại rừng.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ngoài lợi ích kinh tế còn phục vụ cho mục đích phát triển du lịch sinh thái. Như vậy, việc khai thác rừng thông trồng kém hiệu quả để trồng một số loại cây nông nghiệp có giá trị cao là phù hợp với định hướng phát triển của Chính phủ, định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh, cũng như quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2010-2020 của huyện Kon Plông.