Văn Lâm – Hưng Yên: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao từ cây nghệ

BVR&MT – Tiến hành đầu tư dây chuyền, thiết bị máy móc hiện đại để bảo đảm chất lượng và thương hiệu sản phẩm từ củ nghệ chính là cách người dân xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên sản xuất ra tinh bột nghệ với giá trị kinh tế cao. 

Cánh đồng trồng nghệ xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Lâu nay mọi người vẫn biết nghệ là loại cây có nhiều công dụng như làm đẹp, chữa bệnh. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trong tinh bột nghệ có chứa Curcumin là một thành phần hoạt chất quý hiếm được chiết xuất từ nghệ vàng có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, để được tiếp cận với những sản phẩm từ nghệ vừa đảm bảo được vấn đề an toàn thực phẩm, từ nguồn gốc trồng nghệ đến quy trình sản xuất đóng gói đưa đến thị trường thì không phải ai cũng biết.

Phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường điện tử đã có mặt tại một địa phương có truyền thống trồng nghệ từ lâu đời nay, đó là xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên – nơi cho ra đời nhiều sản phẩm được chiết xuất từ những củ nghệ tươi. So với bột nghệ thông thường, tinh bột nghệ là một sản phẩm có giá trị cao lên tới hàng triệu đồng, do đó, quy trình sản xuất cũng phức tạp hơn nhiều.

Từ tinh thần đến sản phẩm

Với mong muốn đưa sản phẩm nghệ truyền thống của địa phương đến với nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh Hưng Yên, Hợp tác xã (HTX) sản xuất dịch vụ tổng hợp Hoa Thiên Phú được thành lập trên cơ sở tự nguyện tham gia của người dân. Những ngày đầu thành lập HTX có  20 thành viên là những hộ có thâm niên sản xuất tinh bột nghệ lâu năm tại xã Tân Quang, huyện Văn Lâm.

Hiện nay, sản phẩm tinh bột nghệ bán trên thị trường chủ yếu được chế biến thô bằng phương pháp thủ công, nên chưa bảo đảm vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Chính vì vậy, HTX đã tiến hành đầu tư dây chuyền, thiết bị máy móc hiện đại để bảo đảm chất lượng và thương hiệu sản phẩm, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp địa phương tiến tới một nền nông nghiệp công nghệ cao, tăng thu nhập cho người nông dân, đưa sản phẩm chất lượng cao đến với người tiêu dùng cả nước.

Với quyết tâm xây dựng mô hình sản xuất nghệ an toàn có quy mô hàng hóa chất lượng cao tiến tới xây dựng vùng nông nghiệp sạch, HTX đã kiên trì từng bước phát triển đầu tư kinh phí từ khâu cây giống đến sản xuất trồng nghệ trên đất nông nghiệp của hộ nông dân tại địa phương, từ đó đầu tư tạo dựng cánh đồng nghệ lớn tiến tới ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Bảo đảm chất lượng gắn liền với bảo vệ môi trường

Đi liền với chất lượng sản phẩm, HTX Hoa Thiên Phú luôn quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Do đó, để phát triển xây dựng thương hiệu tinh bột nghệ bền vững, HTX đang lên kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu riêng để có thể chủ động nguyên liệu và bảo đảm được chất lượng tốt nhất, trồng theo mô hình đạt chuẩn về sản phẩm hữu cơ an toàn và thân thiện với môi trường.

Theo kế hoạch phát triển năm 2018, HTX đang triển khai trồng thêm 10 ha vùng nguyên liệu với năng suất trung bình khoảng 18 – 20 tấn/ha, từ đó tăng công ăn việc làm cho người lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người làm nông nghiệp địa phương.

Áp dụng máy móc vào sản xuất nghệ tinh bột nghệ..

Hệ thống máy nghiền củ nghệ với công suất cao để sản xuất tinh bột nghệ sạch được đầu tư áp dụng công nghệ khoa học tiên tiến, sản phẩm của HTX đã được các cơ quan quản lý về ATVSTP cấp giấy chứng nhận là cơ sở đủ điều kiện sản xuất. Cùng với đó, HTX còn đang nghiên cứu chế biến đưa ra thị trường thêm một số sản phẩm dược liệu từ nghệ hứa hẹn sẽ mang lại cho người tiêu dùng những lựa chọn chất lượng nhất.

Bên cạnh những đầu tư tâm huyết trong quá trình phát triển mô hình sản xuất tinh bột nghệ chất lượng cao, các thành viên HTX Hoa Thiên Phú cũng bày tỏ sự kỳ vọng về những cơ chế chính sách hỗ trợ đặc thù từ phía chính quyền và các cơ quan chức năng nhằm khuyến khích và nhân rộng các mô hình đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Hưng Yên cũng như trên toàn quốc trong thời gian tới.

Văn Trì – Xuân Mạc