Tuyên Quang, các chương trình mục tiêu quốc gia: Thay đổi diện mạo nông thôn

BVR&MT – Năm 2017, nguồn vốn cho chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt trên 141,2 tỷ đồng; vốn trực tiếp cho chương trình xây dựng nông thôn mới trên 552,4 tỷ đồng. Các chương trình này đã có những tác động tích cực, góp phần thay đổi diện mạo khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Giảm nghèo bền vững

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch – Đầu tư, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện đang thực hiện 5 dự án trong chương trình giảm nghèo bền vững, gồm Chương trình 30a; Chương trình 135; Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình.

Diện mạo nông thôn mới tại xã Lương Thiện (Sơn Dương).

Chương trình 135, năm 2017 có 63 xã khó khăn trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư 207 công trình, trong đó 167 công trình xây dựng mới; duy tu, bảo dưỡng 33 công trình và hơn 22,5 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất. Năm 2017, huyện Sơn Dương có 85 thôn thuộc vùng đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135. Huyện đã ưu tiên xây dựng, sửa chữa 28 công trình, trong đó có 18 công trình đường giao thông, đường nội đồng phục vụ việc đi lại, sản xuất nông nghiệp, vận chuyển hàng hóa thúc đẩy phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, các hộ dân tộc thiểu số vùng khó khăn được hỗ trợ tiền mua trâu, bò, lợn, dê, chè giống; hỗ trợ máy nông nghiệp, kiến thức sản xuất tùy thuộc vào điều kiện từng vùng.

Năm 2017, xã Đông Thọ chỉ còn 3 thôn khó khăn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 là thôn Tân An, Làng Mông, Làng Hào; các thôn được hỗ trợ tổng số tiền 1,7 tỷ đồng đầu tư xây dựng đường giao thông, đường nội đồng và hỗ trợ tiền mua con giống, tập huấn kiến thức chăn nuôi. Trong đó, thôn Tân An được hỗ trợ làm 700 m đường giao thông nông thôn, thôn Làng Hào được hỗ trợ làm 267 m đường giao thông nông thôn; hộ nghèo tại 3 thôn được hỗ trợ máy nông nghiệp và trâu, bò, lợn, dê giống phát triển sản xuất. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 32% năm 2015 xuống còn 22% năm 2017.

Theo thống kê, các dự án tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn của tỉnh đã góp phần đáng kể trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh trong năm 2017 giảm 4,01%, giảm từ 23,33% đầu năm xuống còn 19,32% cuối năm. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện nghèo Lâm Bình giảm 5,67%, giảm từ 51,42% đầu năm xuống còn 45,75% cuối năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã thực hiện Chương trình 135 giảm 6,88%, từ 47,2% đầu năm xuống còn 40,32% cuối năm.

Nông thôn đổi mới

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng góp phần tạo diện mạo mới cho các xã trên địa bàn tỉnh. Năm 2017, tổng nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 2.201 tỷ đồng, trong đó vốn trực tiếp cho Chương trình xây dựng nông thôn mới là trên 552,4 tỷ đồng. Hết năm 2017, toàn tỉnh có 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 7 xã so với năm 2016; tiêu chí bình quân trên xã tăng từ 11 tiêu chí/xã năm 2016 lên 12 tiêu chí/xã năm 2017. Đặc biệt, tỉnh Tuyên Quang không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí.

Lãnh đạo xã Chân Sơn (Yên Sơn) kiểm tra kênh mương lắp đặt theo cấu kiện bê tông đúc sẵn tại thôn Trường Sơn.

Hỗ trợ xây dựng hạ tầng cho các xã nông thôn mới, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, trong đó có Nghị quyết 03/2016/NQ-HĐND, ngày 13-7-2016 của HĐND tỉnh Quy định mức hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao, khuôn viên và một số công trình hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2016 – 2020. Qua đó, toàn tỉnh đã xây dựng 200,81 km đường giao thông, trong đó đường trục xã, liên xã 21,18 km; đường trục thôn 12,27 km; đường ngõ xóm 6,38 km; đường nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa 160,98 km thuộc kế hoạch năm 2016, 2017 và 5 công trình cầu tràn liên hợp. Các địa phương trong tỉnh cũng đã xây dựng 230,8 km kênh mương bằng cấu kiện bê tông thành mỏng đúc sẵn thuộc kế hoạch năm 2016, 2017 và xây dựng 8 công trình thủy lợi, bao gồm hồ chứa, phai, đập.

Thông qua nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, đã có 31 xã được hỗ trợ 12,8 tỷ đồng; 22 hợp tác xã được hỗ trợ 2,2 tỷ đồng. Các xã đã triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình phát triển sản xuất, tập trung vào một số lĩnh vực: Phát triển chăn nuôi trâu, cá đặc sản, lợn, vịt đặc sản, trồng rau an toàn; trồng chè; trồng cây ăn quả… Ngoài ra, các địa phương cũng huy động được 186,1 tỷ đồng từ các doanh nghiệp và người dân để đóng góp xây dựng nông thôn mới.

Năm 2018, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh 3%/năm; số tiêu chí nông thôn mới bình quân toàn tỉnh đạt trên 13 tiêu chí/xã; phấn đấu có thêm 6 xã, bao gồm: Lăng Can (Lâm Bình), Phúc Thịnh (Chiêm Hóa), Nhân Mục (Hàm Yên), Phúc Ninh (Yên Sơn), Sơn Nam (Sơn Dương), Thái Long (TP Tuyên Quang) đạt chuẩn nông thôn mới.

Giải pháp của Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh là đổi mới và đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; hoàn thiện xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 làm căn cứ để tổ chức thực hiện. Tỉnh cũng huy động tối đa các nguồn lực để hỗ trợ đầu tư thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh; tranh thủ các nguồn tài trợ trong nước và quốc tế thông qua các chương trình, dự án về nông nghiệp, nông thôn; rà soát, phân loại các dự án đầu tư, nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất để có cơ chế lồng ghép và sử dụng hợp lý nguồn vốn theo từng chương trình, dự án…