Tương lai của cây dược liệu ở gò đồi Quảng Bình

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (2016 - 2020)

BVR&MT – Cây dược liệu đang là hướng lựa chọn mới, mở ra nhiều hy vọng trong phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo tại vùng gò đồi của tỉnh Quảng Bình

Những năm qua, diện tích cây trồng vùng gò đồi, chủ yếu là cao su và rừng trồng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình phát triển mạnh và phong phú; góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo và phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng gò đồi.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, từ năm 2015 đến nay, trồng cao su có thể giúp người dân mỗi năm thu 36 triệu đồng/ha; rừng keo mỗi ha thu lời khoảng 10-12 triệu đồng/năm; rừng thông nhựa cho thu nhập khoảng 50-60 triệu đồng/ha/năm và rừng trồng mục đích kinh doanh gỗ lớn khoảng 20-25 triệu đồng/ha/năm.

Tuy nhiên, Quảng Bình là địa phương hàng năm thường phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, bão lũ, gây thiệt hại nghiêm trọng đời sống và sản xuất kinh doanh của nhân dân. Nhiều diện tích cao su, rừng trồng bị gãy đổ và mất trắng, các doanh nghiệp, đơn vị và nhiều hộ dân đối mặt với muôn vàn khó khăn.

Ông Phạm Hải Dương, Phó Viện trưởng Viện Cao su Việt Nam nhấn mạnh, Quảng Bình cần làm quyết liệt quy hoạch định hướng vùng gò đồi; kiên quyết không trồng cao su ở vùng cách biển 50km; chú trọng công tác trồng đai rừng chắn gió phải dày và rộng; đồng thời, nghiên cứu lựa chọn đưa các giống cây có sức chống chịu tốt với biến đổi khí hậu, gió bão.

Một giải pháp căn cơ nữa là đa dạng hóa cây trồng, xây dựng những mô hình trồng xen canh nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất vừa giảm thiểu rủi ro do thiên tai. “Đặc biệt, song hành cùng với trồng cao su, rừng trồng thì cần xây dựng, phát triển các nhà máy chế biến gỗ để góp phần giải quyết vấn đề thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ cây trồng vùng gò đồi”, ông Dương cho biết.

Phát triển diện tích trồng cây dược liệu cũng đang là hướng đi được Quảng Bình quan tâm nghiên cứu triển khai sâu rộng. Ông Lê Hùng Tiến, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dược liệu Bắc Trung Bộ (Viện dược liệu Trung ương) cho rằng, bên cạnh việc quy hoạch diện tích cao su phù hợp thổ nhưỡng, thời tiết thì tỉnh cần đa dạng hóa cây trồng nhưng không nên tràn lan, cần nghiên cứu kỹ và quan trọng là chú ý đến thị trường tiêu thụ sản phẩm. Có thể trồng các cây dược liệu (đinh lăng, nghệ, cà dây leo…) xen canh dưới tán cây cao su, điều này không hề ảnh hưởng đến chất lượng mủ cao su và đặc tính của cây dược liệu.

Để phát triển ổn định, bền vững và hiệu quả các loại cây vùng gò đồi, giảm thiểu ảnh hưởng của thiên tai, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, ông Nguyễn Hữu Hoài nhấn mạnh, thời gian tới, tỉnh tiếp tục phát triển cây cao su và rừng trồng theo định hướng khôi phục và đầu tư chăm sóc số diện tích cây cao su bị gãy đổ dưới 30%; trồng tái canh cây cao su trên diện tích đảm bảo phù hợp nhất cho cây cao su phát triển; đồng thời, kiên quyết đưa ra khỏi quy hoạch những diện tích cao su chưa trồng hoặc trồng kém hiệu quả, không thể thành vùng nguyên liệu.

Với những diện tích đưa ra khỏi quy hoạch chuyển sang một số cây trồng thích hợp như trồng rừng kinh tế, hồ tiêu, dưa hấu, cây dược liệu, dứa, trồng cỏ chăn nuôi bò… Địa phương sẽ rà soát quy hoạch trồng cao su và rừng trồng phù hợp; xác định vùng trồng an toàn, không trồng tràn lan, ồ ạt, đảm bảo phục vụ các chương trình phát triển kinh tế của tỉnh. Quy hoạch trồng cây trồng khác trên vùng gò đồi; kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến gỗ; tìm đầu ra thị trường đối với những cây trồng mới như dược liệu, dứa, cây ăn quả… từ đó nhằm giảm thiểu thấp nhất ảnh hưởng và những rủi ro do thiên tai gây ra.

Võ Dung – Lê Linh