Trung Quốc chuẩn bị mở cửa thị trường carbon quốc gia

BVR&MT – Chưa hứa hẹn ngay lập tức giảm phát thải khi mở cửa thị trường vào năm tới, nhưng với quy mô lớn, Trung Quốc mong đợi thị trường này sẽ bắt đầu góp phần giảm phát thải từ năm 2020 trở đi. Trước sự kiện đắc cử bất ngờ của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua và quan điểm bác bỏ vấn đề biến đổi khí hậu của vị tổng thống đắc cử này, thị trường carbon mới của Trung Quốc đang thu hút khá nhiều mối quan tâm.

 Việc mở cửa thị trường carbon không chỉ là kết quả quan trọng nhất của cuộc đàm phán khí hậu song phương Mỹ – Trung Quốc, mà có thể còn là động thái mang tầm quốc gia đáng chú ý nhất kể từ khi Hiệp định Paris chính thức có hiệu lực.

Quy mô chưa từng có

Thị trường mới nhận được sự chú ý đặc biệt bởi quy mô chưa từng có, ước tính khởi đầu với hạn mức (Carbon allowance)(*) khoảng 3-5 tỷ tấn carbon mỗi năm, cao hơn rất nhiều so với hệ thống EU-ETS, hiện đang là thị trường carbon lớn nhất (với hạn mức 2 tỷ tấn carbon). Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia của Trung Quốc (NDRC), thị trường sẽ giới hạn phát thải đối với 8 ngành: sản phẩm hóa dầu, hóa chất, vật liệu xây dựng, sản xuất thép, hợp kim, sản xuất giấy, năng lượng và hàng không. Doanh nghiệp thuộc các ngành kể trên tiêu thụ trên 10.000 tấn than tiêu chuẩn (TCE)/năm sẽ phải tham gia vào thị trường. Theo đó, trên 7.000 doanh nghiệp sẽ tham gia, chiếm khoảng một nửa tổng phát thải của toàn Trung Quốc. Dự kiến, thị trường sẽ mở ngay sau khi hoàn thành phân bổ hạn mức carbon vào nửa đầu năm 2017, sau đó có thể mở rộng sang nhiều ngành khác và đối với cả các doanh nghiệp tiêu thụ 5.000 TCE mỗi năm.

Rút kinh nghiệm từ các thị trường thử nghiệm và thị trường EU

Hiện tại, Trung Quốc vẫn đang chạy thử 7 thị trường carbon với 2.000 nhà máy, tổng 120 triệu tấn hạn mức carbon hàng năm. Thị trường chạy thử lâu nhất vào khoảng 3 năm, trong khi thị trường Châu Âu đã có 6 năm chuẩn bị trước khi hoạt đông chính thức. Các thị trường cũng không đồng đều về cả giá cả và và mức độ phát triển. Chẳng hạn, giá cả chỉ bình ổn ở thị trường Bắc Kinh, và chỉ có thị trường Thượng Hải mới được thiết kế hợp lý và chuẩn bị đầy đủ cho các doanh nghiệp tham gia.

Bài học được rút ra từ các thị trường thử nghiệm là thị trường chỉ có thể có hiệu quả khi có chế tài, quy định chặt chẽ. Hiện tại, các quy định là của NDRC năm 2014 và còn yếu đối với quy định ở cấp sở ban ngành. Các quy định mới của Hội đồng Quốc gia hiện đang soạn thảo được kỳ vọng sẽ giúp gia tăng hiệu quả áp dụng của thị trường sắp ra mắt.

Bên cạnh đó, việc tính toán và phân bổ hạn mức carbon là chìa khóa giúp duy trì giá cả hợp lý, đồng thời là phần quan trọng nhất trong một thị trường carbon. Thị trường EU, vốn từng bị dư thừa hạn mức và giá cả xuống dốc không phanh, thường phân bổ hạn mức trước nhiều năm, khiến việc điều chỉnh liên tục trở nên khó khăn. Vì vậy, Trung Quốc sẽ chỉ điều chỉnh hạn mức hàng năm theo đầu ra, để có thể cải thiện một cách phù hợp theo từng giai đoạn.Đặc biệt, Trung Quốc cũng cho phân bổ hạn mức một cách linh hoạt dựa trên đường cơ sở của từng ngành – được thiết lập dựa trên hoạt động của các doanh nghiệp tiêu biểu hàng đầu trong mỗi ngành. Đồng thời, Trung Quốc cũng học hỏi thiết kế dự trữ bình ổn thị trường (MSR) từ thị trường châu Âu, giúp mua lại hạn mức khi dư thừa và bán ra khi thiếu hụt. Tuy nhiên, chi tiết MSR vẫn chưa được công bố.

Sự thành công của phương pháp này cần dựa trên nền tảng dữ liệu chính xác và đầy đủ. Vì vậy, phải đến khoảng năm 2020, phương pháp này mới có thể được sử dụng trên quy mô toàn quốc.

Từng bước ảnh hưởng

Dự kiến, giá carbon ban đầu sẽ rất “hào phóng”, cho phép các doanh nghiệp có thời gian thích ứng. Tuy nhiên, nếu giá carbon quá thấp, mục tiêu giảm phát thải sẽ khó có thể đạt tới, chưa kể đến sự phát triển thị trường sẽ bị kìm hãm. Thậm chí, các công ty sẽ chẳng có lý do gì phải tham gia giao dịch. Theo ông Jiang Zhaoli, phó ban biến đổi khí hậu tại NDRC, doanh nghiệp sẽ không chịu bất cứ áp lực cắt giảm phát thải nào cho đến khi giá carbon đạt tới 200-300 yuan – mức giá chỉ có thể đạt tới sau năm 2020. Có nghĩa, thị trường sẽ không giúp giảm phát thải cho đến năm 2020.

Trên thực tế, thị trường carbon của Trung Quốc hướng tới giảm nhẹ, hơn là giảm triệt để phát thải carbon. Điều này giúp đảm bảo các doanh nghiệp Trung Quốc sẵn sàng tham gia vào thị trường, nhưng đồng thời cũng làm dấy lên mối quan ngại về ý nghĩa thực sự đối với phát thải carbon. Tuy nhiên, ông Jiang Zhaoli nhấn mạnh, đây chỉ là một trong số các giải pháp giảm thiểu carbon, đồng hành cùng các chính sách năng lượng, kinh tế, môi trường và khí hậu. Ước tính, các thị trường carbon chuẩn bị mở cửa sẽ góp phần giảm 60-65% phát thải carbon vào khoảng năm 2030.

(*) Hạn mức carbon là lượng carbon được chính phủ cho phép thải vào khí quyển. Trong các thị trường carbon, một hạn mức thường bao gồm khoảng 1 tấn carbon dioxide hoặc
tương đương (Nguồn: http://www.powerplantccs.com/ref/glos/carbon_allowance.html)
Kim Ngân
NGUỒNTheo Chinadialogue
CHIA SẺ