Triển khai đồng bộ các giải pháp phân loại rác tại nguồn

BVR&MT – Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định đến ngày 1/1/2025 sẽ phải thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt, được kỳ vọng là một bước đi đột phá để cải thiện tình trạng ô nhiễm và quá tải do rác thải sinh hoạt cũng như lãng phí tài nguyên từ rác.

Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn. (Ảnh MẠNH THÌN)

Tuy nhiên, để quy định này đi vào cuộc sống, cần làm tốt công tác chuẩn bị, đồng thời triển khai đồng bộ các quy trình từ các khâu thu gom tới xử lý rác thải.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua, mỗi ngày cả nước phát sinh hơn 60.000 tấn rác thải sinh hoạt; trong đó, khu vực đô thị chiếm 55%, khu vực nông thôn chiếm 45%. Đáng nói là 13% số rác thải phát sinh đó được đem đốt, 16% được chế biến, trong khi khoảng 71% rác là chôn lấp.

Dù vậy, việc xử lý rác theo cả 3 phương thức nêu trên gặp rất nhiều khó khăn. Lý do là bởi rác thải không được phân loại, từ rác vô cơ, hữu cơ cho đến rác thải nhựa đều lẫn trộn vào nhau, nên có đến hơn 70% lượng rác buộc phải thực hiện chôn lấp. Tại các điểm xử lý rác theo kiểu chôn lấp thủ công luôn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm, gây bức xúc đối với người dân sinh sống chung quanh khu vực bãi rác.

Câu chuyện rác thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, xảy ra trong suốt nhiều năm qua ở chung quanh bãi rác thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) và một số địa phương xuất hiện các bãi rác lộ thiên cao hàng chục mét là minh chứng.

Do đó, việc phân loại rác tại nguồn (PLRTN) là một trong những giải pháp để giảm tải áp lực trong khâu thu gom, xử lý rác thải từ chính mỗi người dân là rất quan trọng. Thế nhưng hiện tại, các chương trình PLRTN ở các địa phương phần lớn chỉ mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ, quyết liệt và chính thức hóa…

Từ năm 2002, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn với lộ trình từng bước rõ ràng.

Năm 2017, mỗi quận/huyện thực hiện ít nhất tại một phường/xã/thị trấn, thì năm 2018 mở rộng số lượng từ 3-5 phường/xã/thị trấn, và đến năm 2020 thì triển khai trên toàn địa bàn thành phố. Song, kết quả thu lại rất “khiêm tốn”.

Tại Hà Nội, cách đây 15 năm cũng đã từng rầm rộ ra quân dự án 3R (tiết giảm, tái sử dụng, tái chế), bằng nguồn tài trợ của Chính phủ Nhật Bản. Tuy nhiên, dự án cũng chỉ duy trì được một thời gian.

Nguyên nhân, do chưa có sự chuẩn bị đầu tư trang thiết bị đáp ứng sau phân loại; quy trình, công nghệ xử lý rác chưa phù hợp, thiếu đồng bộ. Rác thải được phân loại thành rác tái chế, vô cơ và rác hữu cơ, trong đó, một phần rác hữu cơ được xử lý, sản xuất thành phân bón vi sinh nhưng đầu ra cho loại phân bón này thiếu ổn định, khó tiêu thụ trên thị trường và không có đơn vị bao tiêu sản phẩm…

Ở một số xã nông thôn mới, mô hình PLRTN dù được ưu tiên nhưng không phải địa phương nào cũng thực hiện hiệu quả. Có địa phương thời gian đầu người dân hưởng ứng khá tốt, nhưng sau đó, nhiều hộ bỏ ngang vì lý do chậm thu gom. Ngoài ra, ở các địa phương chưa có nhiều chiến dịch phát động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc phân loại CTRSH tại nguồn.

Nhằm khắc phục tình trạng chôn lấp rác thải còn cao, chủ yếu do rác thải chưa được phân loại dẫn đến khó khăn trong xử lý, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường có hiệu lực từ ngày 25/8/2022.

Theo đó, hành vi không phân loại CTRSH từ đầu nguồn sẽ bị phạt tiền. Thời điểm chính thức áp dụng việc xử phạt đối với hành vi này sẽ chỉ bắt đầu sau ngày 31/12/2024, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Dư luận cho rằng, đây là thời gian cần thiết để người dân hình thành thói quen phân loại rác thải. Từ tháng 6/2024, Hà Nội sẽ triển khai thí điểm phân loại rác thành bốn nhóm tại 23 phường, sau đó sẽ xem xét triển khai phân loại rác tại nguồn trên toàn thành phố trong năm 2026.

Theo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO), 5 quận bao gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm sẽ thí điểm PLRTN…

Riêng quận Hoàn Kiếm do đã có nền tảng từ trước nên sẽ thí điểm ở cả 18 phường. Thời gian thí điểm giai đoạn 1 đến quý I năm 2025. Sau đó, các quận tổ chức rút kinh nghiệm, điều chỉnh phương án để tiếp tục thí điểm giai đoạn 2 trong các tháng còn lại của năm 2025.

Việc thí điểm để có số liệu, kinh nghiệm thực tế cho Đề án phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH tại nguồn trên địa bàn, trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt vào năm 2025. Đây sẽ là cơ sở để chuẩn bị PLRTN trên toàn thành phố trong năm 2026.

Thực tế cho thấy, mô hình phân loại và xử lý rác thải tại nguồn được triển khai sẽ mang lại nhiều lợi ích, không chỉ giúp giảm lượng rác phát sinh, bảo vệ môi trường, tạo ra nguồn phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp… mà quan trọng là giúp hình thành ý thức tiết kiệm, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường của mỗi người dân.

Tuy nhiên, để thực hiện thành công, hiệu quả những điều khoản đột phá về PLRTN của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, theo Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, thì các cấp, các ngành cần có những biện pháp quyết liệt để huy động mọi nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội; bảo đảm các trang thiết bị thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH đồng bộ và đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

Chính quyền các địa phương cần triển khai thực hiện đồng bộ từ phân loại tại nguồn đến phân loại khi thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt; đồng thời, đẩy mạnh việc tuyên truyền, tác động về ý nghĩa của việc PLRTN và nguy cơ xảy ra nếu không phân loại để người dân hiểu cũng như thực hiện. Cần tiến hành khảo sát, đánh giá, phân loại đối tượng để có cách triển khai, lộ trình thực hiện phù hợp.