Triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở

BVR&MT – Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở, suy thoái rừng ngập mặn.

Ảnh minh họa.

Đại biểu Quốc hội Bùi Ngọc Chương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau chất vấn Thủ tướng Chính phủ về tình trạng sạt lở vùng ven biển, đê biển ở Cà Mau và trách nhiệm của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan.

Về chất vấn này, Thủ tướng trả lời: Trong những năm vừa qua, đặc biệt là năm 2017 sạt lở bờ sông, bờ biển đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng tại nhiều địa phương trên cả nước, uy hiếp nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, nhất là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có tỉnh Cà Mau. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay cả nước có 1.794 khu vực bị sạt lở thuộc 59/63 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài trên 2.300 km, riêng ở Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 700 km bờ sông, bờ biển bị sạt lở. Bên cạnh đó, tình trạng suy thoái rừng ngập mặn đã và đang diễn ra nghiêm trọng ở khu vực ven biển Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là tại các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang, trung bình mỗi năm trên 500 ha rừng bị phá hủy.

Ngoài các nguyên nhân khách quan do địa chất mềm yếu, bở ròi, biến động của dòng chảy, hải lưu, sóng gió, thủy triều thì có những nguyên nhân chủ quan từ các hoạt động của con người gây suy giảm phù sa, bùn cát ở thượng nguồn, tình trạng khai thác cát quá mức, hoạt động khai thác hải sản ven biển ảnh hưởng tới sinh trưởng của rừng ngập mặn.

Trước những diễn biến phức tạp do sạt lở, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các Bộ có liên quan đã trực tiếp kiểm tra, thăm hỏi, chỉ đạo các cơ quan có liên quan và các địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, trước hết là bảo đảm an toàn tính mạng và ổn định đời sống của người dân.

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động hợp tác với các chuyên gia, tổ chức ở trong và ngoài nước triển khai nghiên cứu đánh giá, ứng dụng, thử nghiệm một số giải pháp khắc phục sạt lở bờ biển, khôi phục rừng ngập mặn ven biển (giải pháp công trình, phi công trình; công trình kè cứng, kè mềm giảm sóng,…). Từ năm 2011 đến nay, ngân sách trung ương đã hỗ trợ các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long xử lý khoảng 37 km bờ biển bị sạt lở, trong đó riêng tại Cà Mau đã xử lý 23,8 km với tổng kinh phí 652 tỷ đồng.

Về cơ bản, các công trình đã phát huy hiệu quả giảm sóng, gây bồi. Tuy nhiên, do nguồn lực còn hạn chế, đầu tư chưa đồng bộ, căn cơ, một số công trình hiệu quả đầu tư thấp hoặc hư hỏng trong quá trình sử dụng như: Công trình bảo vệ bờ biển Ba Tri – Bến Tre (nguồn vốn WB4), công trình chống xói lở bờ biển Hiệp Thạnh – Trà Vinh (nguồn vốn củng cố nâng cấp đê biển), kè Gành Hào (nguồn vốn SP-RCC), công trình giảm sóng bằng túi geotube ở bờ biển Nhà Mát – Bạc Liêu, trồng cây ngập mặn ở Nhà Mát – Bạc Liêu và Vĩnh Châu – Sóc Trăng (nguồn vốn ngân sách địa phương và tổ chức GIZ). Tình hình sạt lở vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, đe dọa an toàn của hệ thống đê biển và công trình cơ sở hạ tầng.

Việc phòng ngừa, khắc phục sạt lở bờ sông, xâm thực bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn ven biển ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn. Đây vừa là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa cần có nghiên cứu để có giải pháp tổng thể căn cơ lâu dài, đồng thời cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền các địa phương trong vùng, cũng như sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương trong vùng triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở, suy thoái rừng ngập mặn. Trước mắt, tiếp tục quan trắc, giám sát sạt lở, kịp thời cảnh báo và tổ chức di dời dân cư bảo đảm an toàn; hỗ trợ kịp thời và tái định cư, bảo đảm ổn định đời sống người dân; khắc phục khẩn cấp các khu vực sạt lở nguy hiểm đe dọa trực tiếp đến khu dân cư tập trung, công trình hạ tầng thiết yếu không thể di dời.

Về lâu dài, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn việc xây dựng công trình, nhà cửa, không để xây dựng nhà cửa, công trình tại các khu vực nguy hiểm; hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn giải pháp khắc phục sạt lở.

Tăng cường phối hợp giữa các ngành, các địa phương trong việc quản lý lòng, bờ sông, khu vực ven biển; quản lý chặt chẽ việc xây dựng công trình, nhà cửa ven sông; siết chặt việc quy hoạch, cấp phép, khai thác cát sỏi trên sông, ven biển, xử lý nghiêm các sai phạm trong hoạt động khai thác cát sỏi, nhất là khai thác trái phép, sai phép, thu hồi các giấy phép đã cấp nhưng gây sạt lở trong quá trình khai thác; đẩy mạnh đầu tư khôi phục rừng ngập mặn ven biển.

Xây dựng quy hoạch chỉnh trị sông, phòng chống sạt lở bờ biển, đề án tổng thể phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, trên cơ sở đó sắp xếp ưu tiên, phân kỳ đầu tư, xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn, dài hạn để huy động các nguồn lực triển khai thực hiện.

Tăng cường hợp tác quốc tế nghiên cứu các giải pháp phòng chống sạt lở bờ biển, khôi phục rừng ngập mặn; đồng thời phối hợp với các nước trong thượng nguồn sông Mê Công theo tinh thần hợp tác khai thác, sử dụng hài hòa, hiệu quả, bền vững tài nguyên nước, các bên cùng có lợi, bảo đảm lợi ích quốc gia, theo đúng thông lệ quốc tế đối với dòng sông xuyên quốc gia.