Trí thức trẻ đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp

BVR&MT – Nhằm vận động nguồn lực trẻ tham gia xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, mang lại nguồn lợi cho nông dân, vừa qua, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phát động chương trình “Trí thức trẻ tham gia tái cơ cấu nông nghiệp” năm 2018.

Anh Trần Văn Hợp ở xã Yên Lạc (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) kiểm tra hệ thống tưới nước tự động trên đồi chè.

Dẫn chúng tôi đi giữa đồi chè xanh mát mắt trong ánh nắng vàng tươi, anh Trần Văn Hợp (xã Yên Lạc, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) vui vẻ giới thiệu hệ thống tưới nước tự động hiện đại, gọn nhẹ. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống trồng chè búp tại địa phương, bao năm nay anh và bố mẹ tần tảo với đồi chè này. Trước kia, khi chưa có hệ thống tưới tiêu tự động, hai bố con anh Hợp phải dùng máy chạy dầu để tưới chè, tốn công sức, chi phí và thời gian. “Bây giờ, tôi chỉ cần ấn nút, hệ thống chạy điện thông minh sẽ tự động làm hết các khâu tưới tiêu. Từ ba đến năm ngày, tôi mới phải tưới một lần, mỗi lần đúng 30 phút. Năng suất chè nhờ vậy mà cao hơn trước. Hai sào chè của tôi hiện tại có thể thu hoạch từ 7 đến 8 đợt mỗi năm”, anh Hợp nói.

Hệ thống tưới tiêu tự động nói trên là mô hình do chương trình “Trí thức trẻ tham gia tái cơ cấu nông nghiệp” năm 2018 lắp đặt, trao tặng anh Hợp. Đây là chương trình nằm trong phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động và triển khai. “Trí thức trẻ tham gia tái cơ cấu nông nghiệp” năm 2018 kế thừa thành công từ chương trình “Đưa giảng viên, sinh viên tình nguyện tham gia thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới”, được tổ chức năm 2015. Anh Phạm Quốc Toán, giảng viên khoa Nông học (Trường đại học Nông lâm Thái Nguyên), một trong những tình nguyện viên của chương trình, giải thích: “Hệ thống tưới tiêu mà chương trình trao tặng anh Hợp không chỉ giúp người nông dân chủ động trong việc tưới tiêu mà còn tăng thêm một vụ vào mùa đông – vốn là hạn chế của nhiều địa phương hiện nay. Dù năng suất không cao như các vụ còn lại, nhưng búp chè vụ đông lại có chất lượng ngon hơn hẳn, mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân”.

Từ ngày 8-7 đến 31-8 năm nay, các tỉnh đoàn, thành đoàn sẽ phối hợp các trường đại học, học viện, các đơn vị, cơ sở khoa học… có chuyên môn về nông nghiệp, triển khai 98 đội hình tình nguyện hoạt động tại tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tham gia đợt cao điểm tình nguyện này, có tổng cộng 1.479 tình nguyện viên là chuyên gia, cán bộ, công chức của các cơ quan, đơn vị; giảng viên, nhà khoa học trẻ, sinh viên từ các cơ quan, trung tâm, viện nghiên cứu, trường học… có trình độ, chuyên môn tốt về tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp. Với lực lượng tình nguyện viên trải đều các địa phương, lại có trình độ chuyên môn tốt, các cấp bộ Đoàn Thanh niên kỳ vọng qua chương trình, sẽ chuyển giao thành công 336 mô hình trình diễn, tổ chức 261 lớp tập huấn ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới trong nông nghiệp với tổng kinh phí trị giá hơn 9,2 tỷ đồng.

Nói về những điểm mới của chương trình “Trí thức trẻ tham gia tái cơ cấu nông nghiệp” năm 2018, đồng chí Ngô Văn Cương, Trưởng Ban Thanh niên nông thôn, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho biết: Khác với năm 2015, địa bàn của chương trình lần này được mở rộng đến toàn bộ 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, tập trung hỗ trợ các tỉnh vùng sâu, vùng xa, các huyện thuộc diện 30a. Bên cạnh các chuyên gia, chương trình cũng tận dụng nguồn lực trẻ từ sinh viên, nhằm đưa nhiều mô hình có tính ứng dụng cao về khu vực nông thôn, giúp nông dân cải thiện triệt để tình trạng phụ thuộc điều kiện thời tiết để sản xuất. Từ đó, hướng đến mục đích cuối cùng là tăng sản lượng, giá trị nông sản, dần hình thành chuỗi sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.