Tổng cục Lâm nghiệp khuyến cáo trồng rừng cuối năm 2018

BVR&MT – Vừa qua, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản  1621_TCLN_PTR   thông tin dự báo KTTV thời hạn mùa và khuyến cáo mùa vụ trồng rừng tháng 10 – 12/2018.

Công tác trồng rừng sản xuất, được hạt kiểm lâm thường xuyên kiểm tra, hỗ trợ nhân dân trong công tác trồng và chăm sóc rừng.

Hiện nay đang trong mùa vụ trồng rừng của các tỉnh miền Trung và trồng rừng rải rác tại một số tỉnh Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Theo dự báo, nhiệt độ trung bình trong các tháng 10 đến cuối năm 2018 trên toàn quốc phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm (TBNN). Riêng khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có xu hướng cao hơn 0,5-1,0 độ C so với TBNN.

Trong đó, lượng mưa ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ phổ biến ở mức thấp hơn TBNN, cảnh báo nguy cơ thiếu hụt mưa trong các tháng mùa mưa ở khu vực Trung Bộ. Trong khi đó, Tây Nguyên và Nam Bộ dự báo lượng mưa từ tháng 10.2018 đến hết năm ở mức thấp hơn TBNN từ 15-30%, thời điểm kết thúc mùa mưa có khả năng sớm hơn TBNN.

Vì lý do đó, Tổng cục Lâm nghiệp khuyến cáo  các cây trồng lâm nghiệp chính như sau: Cây mọc nhanh: các loài Keo, Bạch đàn, Mỡ, Bồ đề, Xoan, Tông dù, Tếch, Muồng, Xà cừ, Trẩu; Cây bản địa: Lát hoa, Sa mộc, Vối thuốc, Lim xanh, Re gừng, Thông nhựa, Tống quá sủ, Sao đen, Chò chỉ; Cây lâm sản ngoài gỗ: Sơn Tra, Quế, Hồi, Trẩu, Trám, Mây nếp, Luồng, Tre Bát độ, Giổi xanh, Mắc ca, Cọ khiết, Long não, Dầu rái, Bời lời đỏ; Cây trồng ven biển: Bần, Trang, Sú, Đước, Mắm, Cóc, Tràm, Phi lao…

Để có thể phát triển những loại cây này cần chuẩn bị cây giống bảo đảm số lượng và chất lượng tốt; kiểm soát, xác nhận nguồn gốc giống theo quy định; Xử lý thực bì, cuốc, lấp hố, trồng, chăm sóc, bón phân đúng hướng dẫn kỹ thuật đối với từng loài cây.

Chú ý công tác phòng trừ sâu bệnh hại đối với một số loài cây chủ yếu như: bệnh lở cổ rễ, rơm lá Thông, sâu róm Thông; sâu ăn lá Keo, Mỡ, Bồ đề, Quế; bệnh khô lá Sa Mộc; khô lá, đốm lá Thông; dế, mối, chuột ăn cây non, sâu kèn, bệnh phấn trắng và nấm Ceratosystis trên cây Keo; virus thối rễ, mối, xén róc, dế ăn cây Bạch đàn; thối cổ rễ, sâu ăn lá, đục quả Sơn tra; thối măng, sâu vòi voi hại măng Luồng, tre Bát Độ; sâu trắng gây u bướu, con Hà bám thân, cành cây Trang, Bần, Sú, Đước vòi, Mắm; bệnh rỉ sắt cây Tông dù, Cọ Khiết; sâu ăn lá, mối cây Re, Long Não; sâu ăn lá, dế, mối ăn lá Re, Lát hoa; sâu vòi voi xanh hại Trám; sâu đo hại Lim xanh; sâu đục thân, rệp sáp, sâu ăn lá Phi Lao; bệnh thán thư Bời lời; sâu cuốn lá, ve sầu hại Sao đen; sâu đục thân Xà cừ, Dầu rái, Long não; sâu ăn cây Dầu rái.

Đề nghị các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh quan tâm chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ở địa phương triển khai trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng theo mùa vụ, đảm bảo hiệu quả và hoàn thành kế hoạch phát triển rừng năm 2018.

Văn Trì