Tỏi Thái Thụy – Thương hiệu cần được phát triển

BVR&MT – Việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho nông sản Việt đã và đang là vấn đề đáng quan tâm của ngành nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam tham gia, kí kết nhiều các hiệp định thương mại, thị trường nông sản rộng mở. Tuy nhiên nhiều địa phương và doanh nghiệp vẫn chưa thấy rõ vai trò và ý nghĩa của việc xây dựng cũng như bảo vệ thương hiệu hàng nông sản hiện nay. Một trong số đó có thể kể đến thương hiệu “Tỏi Thái Thụy”, Thái Bình.

Một số hình ảnh sản phẩm tỏi xã Thụy Trường – Thái Thụy – Thái Bình.

Việc xây dựng nhãn hiệu cho nông sản Việt, làm cho các sản phẩm Việt Nam có thể cạnh tranh được với các mặt hàng khác dễ dàng hơn khi hàng hóa Trung Quốc luôn có giá thành rẻ hơn, tạo được niềm tin đối với khách hàng cũng như tạo điều kiện cho đời sống của các hộ gia đình, doanh nghiệp sản xuất và buôn bán.

Tỏi là một trong những giống cây hoa màu của xã Thụy Trường. Bên cạnh các giống cây trồng như thuốc lào, dưa gang, lạc, củ cải thì tỏi là một trong những giống cây có năng suất, chất lượng ổn định, là cây trồng lâu năm của bà con nông dân xã Thụy Trường. Tỏi Thái Thụy có nét đặc trưng riêng như: Lá tỏi dày, cứng, màu lá xanh nhạt, củ chắc, dọc thân gần củ có màu tía, tép tỏi đều từ 15 – 20 tép.

Chia sẻ cùng phóng viên Tạp chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường, ông Đồng Minh Chính, Chủ tịch UBND xã Thụy Trường cho biết, năng suất mỗi sào tỏi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố giống, khả năng sinh trưởng, phát triển, khu vực trồng và quá trình chăm sóc của mỗi hộ nông dân. Với mỗi sào trồng xen kẽ năng suất tỏi/sào/vụ từ 250kg – 350kg, đối với trồng riêng có thể trên dưới 500kg/sào/vụ.

Ông Bùi Bá Tèm, Chủ tịch Hội nông dân xã Thụy Trường, người có nhiều năm kinh nghiệm trồng tỏi cho biết năng suất tỏi qua mỗi vụ tăng cao đáng kể. Nhiều hộ gia đình thu hoạch một năm từ 1 – 2 tạ lên 3 – 4 tạ nhiều hơn. Năm 2012, năng suất tỏi giảm do thiên tai hầu như chỉ từ 1 -2 tạ hoặc hơn 2 tạ một ít nhưng những năm trở lại đây năng suất tỏi trên sào mỗi vụ có hộ gia đình tăng hơn 60 – 80 kg/sào.

Tỏi sau khi được người nông dân thu hoạch.

Bà Nguyễn Thị Dung, thôn Tri Chỉ Nam, hội viên Hội nông dân xã Thụy Trường cho biết: “Trung bình giá tỏi tươi hiện nay từ 10.000đ – 15.000đ/kg. Có thời điểm vượt giá từ 15.000đ – 20.000đ/kg tỏi tươi. Trong năm 2015 và 2016 giá tỏi khô sau khi phơi hao 50% thì được bán với giá từ 40.000đ – 55.000đ/kg, có khi lên đến 80.000đ/kg với các thương lái mua về Hải Dương làm tỏi đen.

Mặc dù có hương vị đặc biệt nhưng hiện nay tỏi Thái Thụy vẫn phải tiêu thụ bấp bênh, trôi nổi trên thị trường và gần như phụ thuộc hoàn toàn vào các đầu mối thương lái. Trong khi đó, người tiêu dùng không biết đâu là “Tỏi Thái Thụy” hoặc không biết địa chỉ nào để mua Tỏi Thái Thụy. Ðây là sự thiệt thòi lớn về lợi ích cho cả người trồng lẫn người tiêu dùng khi “Tỏi Thái Thụy” chưa có tên tuổi, địa chỉ, đặc tính sản phẩm hay hệ thống quảng bá… trên thị trường.

Sau gần 2 năm thực hiện dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Tỏi Thái Thụy” tỉnh Thái Bình” vào danh mục Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011 – 2015, tháng 3/2016, Hội Nông dân huyện Thái Thụy đã chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận là chủ sở hữu với nhãn hiệu tập thể “Tỏi Thái Thụy”. Phát huy vai trò quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể, Hội đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Tỏi Thái Thụy” cho 29 hộ hội viên nông dân 5 xã: Thái Ðô, Thái Nguyên, Thụy Tân, Thụy An, Thụy Dũng. Điều này đã phần nào tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân trồng tỏi, đồng thời đã tạo chỗ đứng trên thị trường cho sản phẩm Tỏi Thái Thụy.

Qua trao đổi, ông Nguyễn Sỹ Thao thôn Tri Chỉ Nam cho biết: “Xây dựng thương hiệu tỏi là điều cần thiết vì khi đó người tiêu dùng sẽ biết đến cây tỏi của chúng tôi, việc buôn bán cũng thuận lợi hơn khi có nhãn hiệu đầy đủ. Có thương hiệu, chúng tôi cũng phấn khởi hơn để tiếp tục trồng, vì có những giống cây khác như thuốc lào, không có thương hiệu, giá cả bấp bênh, rất khó cho chúng tôi.”

Xây dựng thương hiệu cho Tỏi Thái Thụy.

Theo đó, có thể thấy việc xây dựng, phát triển tỏi Thái Thụy trở thành thương hiệu để mở rộng thị trường là điều quan trọng nhằm bảo đảm uy tín và danh tiếng của “Tỏi Thái Thụy” trên thị trường. Từ đó, Dự án góp phần tăng thu nhập, tăng hiệu quả sản xuất tỏi đảm bảo đời sống người sản xuất, kinh doanh sản phẩm “Tỏi Thái Thụy” và giữ gìn, phát huy các giá trị kinh tế – xã hội huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Thạch Thảo – Ngọc Thăng