Tín hiệu tích cực từ Hội nghị Công ước Liên hợp quốc về ĐDSH 2016

Cuộc đàm phán liên chính phủ theo Công ước Liên Hợp Quốc về Đa dạng sinh học (CBD) lần thứ 13 diễn ra ở Cancun, Mexico với sự tham dự của khoảng 4.000 đại biểu đến từ 167 quốc gia trên thế giới đã kết thúc vào tuần trước với một loạt các quyết định hướng tới bảo tồn thiên nhiên, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và những lợi ích đa dạng sinh học được chia sẻ công bằng và bình đẳng.

Amazon – Brazil, 2011.
©Neil Palmer/CIAT
Các bên tham gia CBD, bao gồm gần như tất cả các quốc gia ngoại trừ Hoa Kỳ, đã đồng ý tích hợp đa dạng sinh học vào các chính sách của các ngành kinh tế quan trọng, phụ thuộc và tác động đến thiên nhiên. Lần đầu tiên, hội nghị có sự tham dự của các bộ trưởng môi trường và bộ trưởng nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và du lịch của các quốc gia.
Các bộ trưởng cùng trưởng đoàn các nước đã cam kết trong Tuyên bố Cancun về những hành động cụ thể trong từng lĩnh vực và “triển khai lồng ghép đa dạng sinh học ở tất cả các cấp trong chính phủ và trên tất cả các lĩnh vực, thiết lập một khuôn khổ thể chế, luật pháp và các quy định có liên quan”.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiến triển tốt đẹp cũng xuất hiện những mâu thuẫn giữa các nước phát triển và đang phát triển. Sự chia rẽ này liên quan đến các thông tin kỹ thuật số về các chuỗi gen, yếu tố có thể có những tác động sâu rộng tới đa dạng sinh học. Vấn đề này dự kiến sẽ được giải quyết tại cuộc họp tiếp theo vào năm 2018.
Tin tốt và tin xấu
Tại hội nghị, Brazil đã công bố kế hoạch phục hồi 22 triệu ha đất bị suy thoái vào năm 2030 – cam kết phục hồi đất lớn nhất từ trước tới nay. Mexico công bố 4 khu dự trữ sinh quyển và 5 khu bảo tồn mới. Trong khi đó, Nhật Bản cam kết chi 16 triệu USD để hỗ trợ các hoạt động nâng cao năng lực ở các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, hội nghị lần này không chỉ toàn tin tốt. Liên minh Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN) tuyên bố rằng 11% trong 700 loài chim mới được công nhận đang bị đe dọa tuyệt chủng và số lượng hươu cao cổ đã giảm 40% chỉ trong vòng ba thập kỷ qua. Trong khi đó, Ban thư ký CBD cũng cảnh báo rằng 2/3 trong số 20 mục tiêu toàn cầu để giải quyết sự mất đa dạng sinh học (Mục tiêu Aichi về đa dạng sinh học) đang có nguy cơ không thể hoàn thành theo đúng thời hạn vào năm 2020.
Các quyết định
Tại hội nghị, các chính phủ đã thống nhất hơn 70 quyết định chi tiết về tất cả mọi lĩnh vực từ việc sử dụng bền vững thịt thú rừng cho tới phương pháp địa kỹ thuật (geo-engineering) liên quan tới khí hậu, từ các loài ngoại lai xâm hại đến các tác động của rác thải đại dương và tiếng ồn dưới nước.
Các đại biểu cũng đã thông qua một kế hoạch hành động ngắn hạn để phục hồi sinh thái; một quyết định để cải thiện bảo tồn và quản lý các loài thụ phấn cần thiết cho an ninh lương thực; và một bộ chỉ số nhằm theo dõi tiến trình thực hiện Mục tiêu Aichi.
Các quyết định khác được thông qua bao gồm việc phục hồi các kiến thức bản địa truyền thống; sinh thái và sinh học tại các vùng biển quan trọng; xây dựng và nâng cao năng lực và cả một chiến lược truyền thông bảo tồn đa dạng sinh học trên toàn cầu. Các bên cũng đã thống nhất một hướng dẫn để đảm bảo Quỹ môi trường toàn cầu, cơ chế tài chính đa phương của Công ước đa dạng sinh học, có thể ưu tiên cho các vấn đề thỏa thuận tại Hội nghị lần này.
Kỹ thuật sinh học mới
Một trong những chủ đề gây nhiều tranh cãi trong hội nghị là “sinh học tổng hợp” (synthetic biology) hay còn gọi là sinh học kiến tạo, một lĩnh vực khoa học công nghệ mới đem lại cả cơ hội và rủi ro cho công tác bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học. Sinh học tổng hợp có thể được sử dụng để tạo ra cả sinh vật sống và không sống, các vật liệu di truyền và cả hệ thống cấu trúc sinh học hoàn chỉnh.
Một ví dụ là việc sử dụng phương pháp phát động gen (gene drive), thông qua đó có thể buộc một đặc điểm di truyền chuyển qua cả một quần thể động vật hoặc thực vật. Cách tiếp cận này có thể được sử dụng để làm giảm sự lây lan của dịch bệnh hại cây trồng, các loại muỗi truyền bệnh hoặc loại bỏ việc kháng thuốc trừ sâu ở các loài cỏ dại.
Tuy nhiên, hiện có nhiều lo ngại rằng cách tiếp cận như vậy có thể gây tổn hại tới đa dạng sinh học, kết luận cuối cùng cho chủ đề này là khuyến nghị các chính phủ cần có cách tiếp cận thận trọng với kỹ thuật này và chia sẻ thông tin về các phương pháp hiện tại để cập nhật các đánh giá rủi ro cho các ứng dụng “sinh học tổng hợp” tiếp theo.
Các quyết định được thông qua khuyến khích các bên tham gia CBD thực hiện các nghiên cứu và thúc đẩy đối thoại công khai về rủi ro, lợi ích và tiềm năng của sinh học tổng hợp. Quyết định này cũng gia tăng nhiệm vụ của nhóm chuyên gia của CBD trong việc xem xét và phân tích các thông tin liên quan tới lĩnh vực khoa học đang ngày càng phổ biến này.
Quản lý rủi ro, chia sẻ lợi ích
Hội nghị cũng bàn về Nghị định thư Cartagena của CBD nhằm đảm bảo việc xử lý, vận chuyển và sử dụng an toàn các sinh vật biến đổi gen do công nghệ sinh học hiện đại.
Các bên tham gia Nghị định thư Cartagena đồng ý với các quyết định về quản lý rủi ro, quá cảnh và sử dụng có kiểm soát các sinh vật biến đổi gen và việc di chuyển xuyên biên giới của các sinh vật này.
Các cuộc đàm phán song phương tập trung vào Nghị định thư Nagoya của CBD về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng của các sinh vật biến đổi gen. Nghị định thư Nagoya điều chỉnh mối tương tác giữa các nhà cung cấp các nguồn tài nguyên di truyền (có thể là các cộng đồng dân tộc bản địa hay chính phủ một quốc gia) với những người sử dụng các nguồn tài nguyên sinh học như các trường đại học hoặc công ty công nghệ sinh học.
Có hiệu lực từ năm 2014, Nghị định thư yêu cầu hai bên phải đạt cùng thỏa thuận và đảm bảo rằng các nguồn tài nguyên được sử dụng với sự đồng ý trước của các nhà cung cấp. Tuy nhiên có những trường hợp không thể thực hiện điều này, các bên tham gia hiệp định thống nhất hướng tới thiết lập một cơ chế chia sẻ lợi ích đa phương trên toàn cầu.
Bích Ngọc (Theo China Dialoge)