BVR&MT – Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Từ ngày 27/4 đến hết ngày 1/5, Tập đoàn đã đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định phục vụ nhân dân cả nước.
Trong kỳ nghỉ lễ vừa qua, các nhà máy điện cùng toàn bộ hệ thống lưới điện truyền tải và phân phối đã vận hành an toàn, ổn định. Một số ít sự cố nhỏ xảy ra trên hệ thống điện đã được các lực lượng ứng trực xử lý kịp thời, đảm bảo duy trì cung cấp điện liên tục cho các khách hàng.
Trong kỳ nghỉ lễ vừa qua cũng ghi nhận không xảy ra tai nạn lao động về điện, không có hiện tượng cháy nổ điện. Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cho biết:Trong dịp nghỉ lễ vừa qua, các chủ đầu tư nguồn phát điện (trong đó bao gồm cả điện mặt trời mái nhà) về cơ bản đã thực hiện đúng theo các mệnh lệnh điều độ. Từ đó, đã góp phần đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia, không gây sự cố và ảnh hưởng cung cấp điện.
Để đảm bảo cung cấp điện trong kỳ nghỉ lễ, ngay từ đầu tháng 4, EVN và các đơn vị đã chủ động xây dựng phương án chi tiết đảm bảo cung cấp điện an toàn, phòng chống cháy nổ. Đồng thời, EVN và các đơn vị đã tổ chức phân công, ứng trực 24/24h để sẵn sàng xử lý các tình huống sự cố hệ thống điện, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực và phương tiện, vật tư thiết bị để xử lý sự cố.
Theo quy luật hàng năm trước đây, mức tiêu thụ điện vào các kỳ nghỉ lễ, Tết thường giảm mạnh so với các ngày trước lễ với mức thấp hơn khoảng 25 – 30%; tuy nhiên đối với dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 năm nay, số liệu thống kê cho thấy tiêu thụ điện bình quân trong kỳ nghỉ lễ chỉ giảm khoảng 8% so với ngày thường trước lễ, đồng thời tăng rất cao so với cùng kỳ nghỉ lễ năm 2023.
Cụ thể như sau: trung bình ngày trong cả kỳ nghỉ lễ, công suất tiêu thụ điện cao nhất của toàn hệ thống điện Quốc gia ở mức khoảng 40.459 MW, sản lượng tiêu thụ điện ở mức khoảng 860 triệu kWh/ngày.
Như vậy, nếu so với cùng kỳ nghỉ lễ năm 2023 thì sản lượng điện bình quân ngày trong cả dịp lễ 30/4 – 1/5 năm nay tăng tới 37,2%, đồng thời công suất tiêu thụ cực đại toàn hệ thống trong dịp lễ cũng tăng tới 30,6%. Thậm chí ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ (27/4/2024) còn ghi nhận công suất tiêu thụ điện toàn quốc lập đỉnh mới với con số 47.670 MW do diễn biến thời tiết nắng nóng gay gắt diện rộng ở cả 3 miền.
Thời gian tới đây, tình hình nắng nóng sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, số ngày nắng nóng gay gắt được dự báo kéo dài so với trung bình hàng năm. Đối với khu vực miền Bắc, do đây mới chỉ là đợt nóng gay gắt đầu tiên diễn ra nên tiêu thụ điện miền Bắc mặc dù tăng cao so với trước đó nhưng vẫn chưa tới mức đỉnh đã từng được ghi nhận trong quá khứ. Như vậy, tiêu thụ điện ở miền Bắc được dự báo còn tiếp tục tăng lên trong những đợt nóng sắp tới của mùa hè năm nay.
Bên cạnh đó, nếu nắng nóng diễn ra ở cả 3 miền cũng sẽ làm tiêu thụ điện của toàn quốc cũng sẽ tăng mạnh, gây nhiều áp lực đối với việc vận hành và cung cấp điện trong giai đoạn cuối mùa khô.
Như đã thông tin trước đó, để chủ động trong việc đảm bảo cung ứng điện cho hệ thống điện Quốc gia, đặc biệt tại khu vực miền Bắc trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024, EVN đã và đang thực hiện các nhóm giải pháp về vận hành hệ thống điện, đầu tư xây dựng và tuyên truyền thực hiện tiết kiệm điện, điều chỉnh phụ tải.
Để chung tay góp phần đảm bảo cung cấp điện trong mùa Hè nắng nóng năm 2024 đã và đang có xu thế bất lợi về thời tiết, EVN cũng đã kêu gọi sự chia sẻ và hành động tích cực phối hợp của người dân và các khách hàng sử dụng điện thông qua việc triệt để sử dụng điện tiết kiệm, nhất là vào các giờ cao điểm tối (từ 19h – 23h).
Trong đó, đặc biệt chú ý sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ, chi bật điều hòa khi thực sự cần thiết, đặt nhiệt độ ở mức 26 – 27 độ trở lên; đồng thời chú ý không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn trong giờ cao điểm. Việc triệt để sử dụng điện tiết kiệm điện cũng giảm thiểu nguy cơ sự cố về điện và hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng cao.