Thủy điện Pak Beng “quên” đánh giá tác động xuyên biên giới

BVR&MT – “Dù phía Lào đã cung cấp thông tin liên quan cũng như đánh giá tác động của thủy điện Pak Beng đến hạ du, nhưng thông tin rất sơ sài, không có đánh giá nào về tác động xuyên biên giới, nhất là tác động tới vùng ĐBSCL của Việt Nam.” Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam Chu Phạm Ngọc Hiển đã phát biểu như thế tại “Hội thảo tham vấn quốc gia về công trình thủy điện Pak Beng của Lào trên dòng chính sông Mê Kông” do Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam tổ chức ngày 5/5 tại Hà Nội.

Theo báo cáo của Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, Pak Beng là công trình thủy điện đầu tiên của bậc thang thủy điện trên dòng chính ở Hạ lưu vực Mê Kông, nằm ở huyện Pak Beng (tỉnh Oudomxay, Lào) và cách biên giới Việt Nam 1933 km. Công trình có 16 tổ máy với tổng công suất lắp máy là 912 MW, lưu lượng thiết kế qua tuabin là 5.771m3/s, điện lượng trung bình năm là 4.765GWh (xuất khẩu 90% sang Thái Lan), do Công ty sản xuất năng lượng quốc tế Datang của Trung Quốc đầu tư xây dựng.

Báo cáo kỹ thuật của dự án này được phía Việt Nam xem xét trên bảy lĩnh vực: thủy lực-phù sa bùn cát, hệ sinh thái, thủy sản, chất lượng nước, kinh tế xã hội, giao thông thủy và an toàn đập.

Tuy nhiên các chuyên gia của Uỷ ban sông Mê Kông Việt Nam và các chuyên gia độc lập đều chung nhận định, báo cáo do phía Lào cung cấp rất thiếu số liệu, phương pháp tính toán tác động không đáng tin cậy, chỉ ưu tiên phát điện, không quan tâm đến môi trường.

Sông Mê Kông (Ảnh: PanNature)

Ông Nguyễn Anh Đức, giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển lưu vực sông Mê Kông cho rằng các số liệu tác động về phù sa-bùn cát của thủy điện Pak Beng mà phía Lào cung cấp không đầy đủ, và lại lấy theo tiêu chuẩn Trung Quốc thay vì các tiêu chuẩn quốc tế hiện có, cũng không kết hợp với dữ liệu quan trắc hiện có của Ủy hội sông Mê Kông nên cần xem xét lại. Thiết kế hiện nay sẽ giữ lại hầu hết bùn cát đáy, cộng với tác động lũy tích của các công trình thủy điện dòng chính khác sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nước hạ lưu.

Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết Việt Nam đặc biệt quan tâm đến tác động từ thủy điện này tới vùng đồng bằng sông Cửu Long. Số liệu phía Lào đưa ra không đủ cơ sở khoa học cho đánh giá tác động. Nhưng qua kinh nghiệm tham vấn trước, có thể nói tác động của Pak Beng với đồng bằng sông Cửu Long cũng bị bỏ qua như với thuỷ điện Xayaburi và Don Sahong. Ngày 12/5 tới, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức tham vấn về dự án này tại Cần Thơ, sau đó sẽ tổng hợp các ý kiến để có các kiến nghị trực tiếp với phía Lào và Ủy hội sông Mê Kông quốc tế.

Theo kế hoạch, Ủy hội sông Mê Kông quốc tế sẽ họp cho ý kiến về Dự án thủy điện Pak Beng vào tháng 6 năm 2017.

Nhật Anh