Thủy điện Mê Kông: giá phải trả là quá lớn nếu sai lầm

BVR&MT – Ủy hội sông Mê Kông quốc tế (MRC) hiện đang triển khai tham vấn đối với dự án thủy điện Pak Beng, đập thủy điện thứ ba dự kiến được xây dựng trên dòng chính sông Mê Kông trên lãnh thổ Lào. Trong khi đó, quy trình này cũng như vai trò của MRC vẫn gây nhiều tranh cãi, ngay từ trước khi đập Pak Beng được thực hiện tham vấn. Bài bình luận dưới đây của bà Maureen Harris, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Tổ chức Sông ngòi Quốc tế, là một góc nhìn về vấn đề này, xin được chia sẻ cùng độc giả.

Một chuyến tàu chậm đang xuôi dòng Mê Kông, gần khu vực dự kiến xây đập Pak Beng. (Ảnh: Pianporn Detes)

Quy trình Thông báo, tham vấn trước và thỏa thuận (PNPCA) đối với cả hai con đập đầu tiên – Xayaburi và Don Sahong – đều gây tranh cãi và có nhiều điểm bất hợp lý, đồng thời cũng không đạt được sự đồng thuận giữa các quốc gia hạ nguồn Mê Kông – Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Trong khi đó, theo Hiệp định Mê Kông năm 1995, quy trình Tham vấn trước nhằm mục đích đạt được sự đồng thuận giữa các chính phủ trong khu vực về các đề xuất xây dựng đập cũng như các dự án khác trên sông Mê Kông. MRC cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quy trình này cân bằng những xung đột về quyền và lợi ích. Hiệp định Mê Kông nêu rõ, quy trình Tham vấn trước “không phải là quyền được phủ quyết một dự án, cũng không phải quyền được sử dụng dòng sông của bất cứ quốc gia nào mà không cân nhắc tới quyền và những quan ngại của các quốc gia khác trong lưu vực”.

Tuy nhiên, cách MRC tiến hành quy trình PNPCA đang ngày càng gượng ép, chỉ nhấn mạnh nửa đầu của tuyên bố trên mà bỏ qua tầm quan trọng của vế sau.Giám đốc điều hành Ban thư ký MRC mới đây đã cho rằng những con đập được đệ trình trên dòng chính sông Mê Kông là không thể dừng lại.

Quy trình tham vấn trước hiện nay bị giới hạn trong các thảo luận về giảm thiểu tác động từ dự án, thay vì trả lời câu hỏi lớn hơn rằng có nên triển khai các con đập trên dòng chính sông Mê Kông hay không và nên theo cách thức nào. Chính điều này đã thu hẹp vai trò của MRC vốn được nêu ra trong Hiệp định Mê Kông.

Ban thư ký MRC thậm chí dẫn quy trình tham vấn trước đối với đập thủy điện Xayaburi như một mô hình điểm. Điều này dựa trên việc các nhà phát triển đã phản hồi lại những áp lực từ công chúng và làn sóng phản đối rộng rãi trong khu vực bằng cách đầu tư thêm 400 triệu USD để hiệu chỉnh lại thiết kế dự án.

Tuy nhiên, gần 7 năm sau khi được đề xuất đập Xayaburi đã hoàn thiện gần 75%, trong khi thiết kế hiệu chỉnh của dự án vẫn chưa hề được công bố. Trong khi đó, MRC cũng chưa hoàn thành việc rà soát tính tuân thủ của thiết kế hiệu chỉnh so với hướng dẫn thiết kế sơ bộ.

Bên cạnh đó, việc thiếu những dữ liệu nền từ khi bắt đầu dự án khiến cho việc giám sát và đánh giá hiệu quả của các biện pháp giảm thiểu tác động trở nên vô cùng khó khăn. Tính thực chất của quy trình tham vấn trước cũng đang là vấn đề được những người dân Thái Lan bị ảnh hưởng bởi các tác động xuyên biên giới của đập Xayaburi nêu ra trong đơn kiện lên Tòa án Hành chính nước này.

Trong quá trình tham vấn trước đối với dự án Pak Beng, MRC đã hứa hẹn sẽ cải thiện việc chia sẻ thông tin và sự tham gia của các bên liên quan, dựa trên những bài học rút ra từ Xayaburi và Don Sahong. Tuy nhiên, mặc dù đã có những thay đổi, khó mà thấy được những ý kiến thu thập từ cộng đồng và các công dân Mê Kông trong quá trình tham vấn liệu có được phục vụ cho mục tiêu ý nghĩa nào không, bao gồm cả việc giảm thiểu tác động.

Với dự án Pak Beng, những thông tin được các nhà phát triển cung cấp cho quá trình Tham vấn trước cũng chưahề đầy đủ để có thể đánh giá các tác động môi trường và xã hội trên lưu vực Mê Kông. Đánh giá tác động môi trường (EIA) và các văn bản liên quan đã nêu rõ những thiếu sót lớn trong dữ liệu nền, vốn rất cần thiết cho việc đưa ra các biện pháp giảm thiểu tác động trong bối cảnh địa phương. Hầu hết dữ liệu đều từ các báo cáo được thực hiện từ những năm 2011 trở về trước, vốn chưa tính đến các dự án dọc sông Mê Kông hiện đang được xây dựng. Quy trình Tham vấn trước được khởi động dựa trên nền tảng thiếu thông tin đã khiến chính bản thân nó chứa đựng nhiều nghi vấn.

Hơn thế nữa, các biện pháp giảm thiểu tác động được đề xuất như đường đi của cá vẫn chưa hề được thử nghiệm trên thực tế bối cảnh sông Mê Kông; do đó không thể nào đánh giá chính xác được mức hiệu quả. Các chuyên gia thủy sản đã nhiều lần nhấn mạnh những rủi ro khi áp dụng những biện pháp này tại khu vực Mê Kông và khẳng định những biện pháp này khó mà hiệu quả với số lượng khổng lồ và mức độ đa dạng các loài cá trên sông Mê Kông.

Những nghiên cứu độc lập về các con đập được đệ trình trên sông Mê Kông, bao gồm đánh giá môi trường chiến lược (SEA) của MRC năm 2010, đã cảnh báo tác động từ các dự án thủy điện là mang tính tích lũy và sẽ càng nhân lên với mỗi con đập mới được xây dựng.

Những quan ngại trên đã khiến chính phủ bốn quốc gia hạ nguồn thống nhất thực hiện nghiên cứu hội đồng MRC (council study) tại Hội nghị thượng đỉnh Mê Kông – Nhật Bản lần thứ 3 năm 2011. Theo MRC, nghiên cứu này sẽ giúp thu hẹp những khoảng trống kiến thức quan trọng về tác động môi trường – kinh tế – xã hội của các hoạt động phát triển tài nguyên nước khác nhau. Là một nghiên cứu ở cấp lưu vực, nghiên cứu này dự kiến sẽ cung cấp thông tin cho từng dự án thông qua quy trình Tham vấn trước.

Sau nhiều lần trì hoãn, nghiên cứu hội đồng dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 12/2017 – quá muộn để có thể cung cấp thông tin cho quy trình Tham vấn trước đối với đập thủy điện Pak Beng vốn dự kiến sẽ được hoàn thành vào tháng 6/2017, mặc dù có thể sẽ kéo dài hơn. Thêm vào đó, cần tiến hành những đánh giá mới đối với con đập Pak Beng bằng những dữ liệu hiện tại nhằm xác định những thông tin còn thiếu sót. Quy trình PNPCAvì vậy cần được gia hạn để thẩm định những đánh giá mới cũng như kết quả của nghiên cứu hội đồng.

Cái giá mà sông Mê Kông cùng người dân lưu vực phải đánh đổi là quá lớn để có thể mắc sai lầm trong những dự án thủy điện. Là cơ quan chịu trách nhiệm đảm bảo sự phát triển và bảo tồn bền vững trên Lưu vực sông Mê Kông, MRC đang nắm giữ cơ hội quan trọng giúp đưa ra những quyết định chính đáng dựa trên nền tảng đầy đủ thông tin và các nghiên cứu cấp lưu vực. Điều này không chỉ quan trọng đối với Pak Beng, mà còn đối với những dự án trong tương lai.

Đan Khuê/ Theo Bangkok Post