BVR&MT – Theo Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN), giai đoạn 2021-2025, khả năng thiếu điện tại miền nam tăng cao với mức thiếu hụt tăng từ 3,7 tỷ kW giờ (năm 2021) lên gần 10 tỷ kW giờ (năm 2022), vào năm 2023 khoảng 12 tỷ kW giờ. Trong bối cảnh hệ thống điện đang chịu nhiều áp lực về bảo đảm cung ứng điện, nhất là sau năm 2020 khi cả nước không có nguồn khai thác mới, thì việc phát triển các dự án năng lượng mặt trời, trong đó có điện mặt trời áp mái (ÐMTAM) được xem là một trong những giải pháp góp phần giảm áp lực cho ngành điện.
Phát triển chưa tương xứng tiềm năng
Tại Việt Nam, phát triển điện mặt trời (ÐMT), trong đó, ÐMTAM được cho là có nhiều tiềm năng để khai thác hiệu quả. Cụ thể, về điều kiện tự nhiên, bức xạ đo được tại khu vực miền nam và các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ lên tới 1.600 kW giờ/m2/năm. Tại “Báo cáo đánh giá kỹ thuật tiềm năng năng lượng mặt trời trên mái nhà tại Việt Nam” của Ngân hàng Thế giới (WB) vào năm 2017 cho thấy, chỉ tính riêng tiềm năng ÐMT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vào khoảng 6.300 MW. Trong khi đó, Hà Nội có số giờ nắng trung bình hằng tháng khoảng 1.466,1 giờ/năm thuộc khu vực có cường độ bức xạ mặt trời trung bình từ 3,3 đến 4,1 kW giờ/m2/ngày. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cứ 1 kW giờ ÐMT tiết kiệm sẽ giảm phát thải vào môi trường 0,6612 kg CO2.
Phát triển ÐMTAM đem lại lợi ích cho cả Nhà nước và người sử dụng điện. Ðó là có thêm nguồn năng lượng sạch với sản lượng khá cao (nếu được khuyến khích đầu tư), giảm tối đa nguồn vốn ngân sách đầu tư vào các công trình nguồn phát và lưới truyền tải điện. Tại nhiều nước, đây là một ngành công nghiệp phát triển tạo ra việc làm và thu nhập cho nhiều người. Theo ước tính, chỉ cần khoảng hai triệu nóc nhà tại Việt Nam lắp đặt ÐMTAM với công suất 10 kW/mái nhà sẽ giúp giảm tương ứng khoảng 16 triệu tấn than/năm dùng cho nhiệt điện than. Giáo sư, Viện sĩ, TSKH Trần Ðình Long – Phó Chủ tịch Hội Ðiện lực Việt Nam dẫn chứng: Nếu chỉ tính vào khung giờ buổi sáng, thì lượng ÐMTAM huy động được từ các nhà công cộng có thể đạt 25 đến 30%, nếu tính thêm cả vào các giờ buổi trưa, cao điểm nắng thì lượng điện huy động có thể lên tới 60 đến 65%. Như vậy, sẽ giảm được lượng điện năng phải trả do giá cao đối với các doanh nghiệp (DN), xí nghiệp, nhà công cộng. Ông Trần Hồng Kỳ – cán bộ nghiên cứu về năng lượng của WB cho rằng, khoảng 30% mái nhà ở TP Hồ Chí Minh và Ðà Nẵng có khả năng lắp đặt ÐMTAM đạt hiệu quả.
Với mục tiêu phát triển ÐMT đạt 1 GWp vào năm 2020, Thủ tướng đã phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ban hành nhiều cơ chế khuyến khích phát triển các dự án ÐMT tại Việt Nam. Bộ Công thương cũng đã ban hành Thông tư quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án ÐMT (Thông tư 16) để gỡ vướng cho ÐMTAM về các vấn đề liên quan thuế, bù trừ điện năng, cách thức thanh toán…, Phó Trưởng ban Kinh doanh của EVN Trần Viết Nguyên cho biết, năm 2018, trụ sở các cơ quan, đơn vị thuộc EVN đã triển khai 54 vị trí lắp ÐMTAM với công suất 3,2 MWp. Có khoảng 1.800 khách hàng (công sở, DN, hộ gia đình) lắp đặt ÐMTAM với công suất 30,12 MWp, điện năng phát lên lưới đạt 3,97 triệu kW giờ. Lãnh đạo Tổng công ty Ðiện lực TP Hồ Chí Minh (EVN HCMC) cho biết, tình hình triển khai ÐMTAM tại TP Hồ Chí Minh đang rất hiệu quả. EVN HCMC đã thực hiện lắp đặt các hệ thống ÐMTAM với công suất gần 1.130 kWp và đang tiếp tục triển khai các hệ thống với công suất 2.658 kWp.
Tổng Giám đốc EVN Trần Ðình Nhân đánh giá, con số nêu trên còn quá nhỏ bé so với tiềm năng phát triển ÐMT tại Việt Nam, do Việt Nam còn thiếu quy định thanh toán tiền bán điện của khách hàng khi đấu nối lên lưới điện. Công tác tuyên truyền, quảng bá về phát triển ÐMTAM còn hạn chế. EVN, các đơn vị điện lực chưa thể ký hợp đồng mua bán điện với khách hàng do chưa có hướng dẫn chính thức về cách thức thanh quyết toán tiền điện cho khách hàng. Các khách hàng còn e ngại trong đầu tư do thiếu thông tin về chất lượng sản phẩm, đơn vị thi công, lắp đặt, chế độ vận hành, bảo hành thiết bị…
Theo các chuyên gia, việc lắp đặt ÐMTAM hiện nay trở nên khả thi hơn do công nghệ khá phát triển và tương đối phổ biến. Tuy nhiên, với chi phí đầu tư ÐMTAM khoảng 20 triệu đến 25 triệu đồng/kWp là mức còn cao, dẫn đến các hộ dân chưa mặn mà. Một cán bộ ngành điện chia sẻ, cách đây vài năm, để tiên phong trong sử dụng ÐMTAM, gia đình ông mạnh dạn đầu tư một hệ thống công suất 5 kWp. Dù được bên bán giảm giá công lắp đặt, nhưng vốn đầu tư cũng lên tới khoảng 150 triệu đồng. Mức chi phí này chưa biết đến bao giờ mới hoàn vốn, bởi nếu so sánh thì dùng điện lưới vẫn lợi hơn. Theo lãnh đạo EVN HCMC, từ thực tế việc phát triển ÐMTAM ở TP Hồ Chí Minh, đơn vị nhận thấy, giá thành lắp đặt 1 kWp ÐMT còn cao (khoảng 1.000 USD/kWp), chưa có chính sách hỗ trợ về vốn vay đối với các dự án ÐMT và các chương trình hỗ trợ chi phí lắp đặt cho khách hàng. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều DN cung cấp và lắp đặt các hệ thống ÐMT với hàng trăm nhãn hiệu, xuất xứ khác nhau dẫn đến tâm lý e ngại, không dám lắp đặt sử dụng ÐMT; chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật quy định của cơ quan có thẩm quyền đối với các thiết bị liên quan như tấm pin, khung đỡ, bộ biến tần… để hạn chế các sản phẩm kém chất lượng lưu thông trên thị trường.
Nỗ lực với nhiều giải pháp
Tổng Giám đốc EVN Trần Ðình Nhân khẳng định, ngành điện luôn hỗ trợ tối đa các yêu cầu về lắp đặt ÐMTAM của người dân và DN; các thủ tục đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện sẽ được thực hiện nhanh chóng, dễ dàng. Việc thanh toán tiền điện mua bán lên lưới sẽ được thực hiện ngay khi có thông tư hướng dẫn của các cơ quan chức năng. Ðồng thời EVN sẽ chịu toàn bộ chi phí đầu tư đồng hồ đo điện hai chiều để đo lường sản lượng khách hàng sử dụng cũng như bán lên lưới. Ðể ÐMTAM phát triển mạnh mẽ, thời gian tới, EVN kiến nghị các bộ, ngành cần tăng cường quảng bá mạnh mẽ lợi ích của ÐMTAM. Chính phủ nên khuyến khích các cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành lắp đặt ÐMTAM; có cơ chế hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư ban đầu nhằm khuyến khích các hộ gia đình lắp đặt. Ðồng thời, có cơ chế cho các nhà đầu tư (bên thứ ba) tham gia đầu tư nhằm hỗ trợ, khuyến khích khách hàng lắp đặt.
Thạc sĩ Ðào Minh Hiển, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2 (PECC 2) cho rằng, hiện có rất nhiều mô hình để hỗ trợ người dân triển khai ÐMTAM, tuy nhiên, do chi phí đầu tư khá lớn, cho nên mô hình hiện đại sẽ là các công ty điện lực có thể tài trợ thuê/hoặc cho thuê mái nhà, thuê/cho thuê hệ thống điện mặt trời… Tất cả các mô hình này đều có thể hỗ trợ thúc đẩy sử dụng ÐMTAM trong thời gian tới. Hiện nay, EVN đang tích cực hợp tác với các đối tác, tổ chức quốc tế nhằm phổ biến, triển khai tiếp cận các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng, phát triển các dự án ÐMT tại Việt Nam nói chung và ÐMTAM nói riêng; trao đổi, chia sẻ, cập nhật công nghệ, kỹ thuật, giải pháp phát triển ÐMTAM dành cho mọi đối tượng khách hàng từ cơ quan, công sở của Nhà nước tới các khách hàng DN và hộ gia đình.
Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital S.Ku-ma cho rằng, việc huy động vốn quốc tế rất cần thiết để phát triển mạnh ÐMTAM, nhất là ở quy mô công nghiệp. Theo đó, các tổ chức tài chính quốc tế sẽ cho vay trực tiếp đến các nhà phát triển ÐMT để trực tiếp đầu tư các dự án, hoặc cho vay trung gian thông qua các tổ chức tài chính trong nước. Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) Ngụy Thị Khanh, nguyên nhân đầu tiên khiến ÐMTAM chưa được quan tâm tại Việt Nam thời gian qua chính là thiếu thông tin (chủng loại, quy chuẩn kỹ thuật, chi phí, khả năng thu hồi vốn…). Do vậy, giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển ÐMTAM thời gian tới chính là phải coi trọng truyền thông tới cộng đồng, nhất là tuyên truyền tới từng hộ gia đình, từ khả năng đầu tư cũng như lợi ích thiết thực của mô hình này. Thứ trưởng Công thương Hoàng Quốc Vượng chia sẻ, Thông tư sửa đổi Thông tư 16 sẽ sớm được Bộ Công thương ban hành, sau khi hoàn tất lấy ý kiến các bộ, ngành. Văn bản mới này sẽ quy định rõ phương thức thanh toán việc mua bán sản lượng ÐMTAM thể hiện bằng hợp đồng cụ thể, qua đó giúp các bên có cơ chế thanh toán hợp lý – vốn là “nút thắt” bấy lâu nay, khắc phục những bất cập của Thông tư 16, hy vọng sẽ khuyến khích việc đầu tư và phát triển ÐMTAM thời gian tới.