Thôn Ea Rớt được cấp điện mặt trời và nước sạch

BVR&MT – Ngày 10/11, tại thôn Ea Rớt (thuộc xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk), Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (GreenID) phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk tổ chức lễ bàn giao hệ thống cung cấp điện và nước sạch sử dụng năng lượng mặt trời cho cộng đồng địa phương.

Nằm trong vùng núi sâu cách trung tâm xã hơn 20km, đa số bà con ở thôn Ea Rớt đều là người dân tộc H’Mông di cư tự do nên chưa có hộ khẩu, thuộc diện nghèo và sống trong cảnh không điện, không nước sạch.

Mô hình điện mặt trời tại thôn Ea Rớt, xã Cư pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk

Mô hình điện mặt trời tại thôn Ea Rớt, xã Cư pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk LắkHệ thống tích hợp này có công suất lắp đặt 6,24kWp, sử dụng các tấm thu điện năng lượng mặt trời, thường được gọi là tấm pin năng lượng mặt trời, để tạo ra năng lượng điện cho mục đích sinh hoạt của người dân và cung cấp điện cho hệ thống lọc nước tinh khiết RO. Theo công suất thiết kế, hệ thống có thể sản xuất 20kWh/ngày, đáp ứng đủ nhu cầu thắp sáng cho khoảng 20 hộ gia đình và cung cấp từ 700-1000 lít nước sạch mỗi ngày cho người dân trong thôn. Để cung cấp điện cho quá trình làm ra nước sạch, hệ thống cần khoảng 4 giờ nắng nhất trong ngày, từ 10h sáng đến 14h chiều. Lượng điện làm ra còn lại sẽ được tích trữ vào bình ắc quy để bà con dùng cho việc thắp sáng vào buổi tối. Khi nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng lên, công suất phát điện của hệ thống có thể dễ dàng điều chỉnh tăng theo để đáp ứng nhu cầu.

Hệ thống cung cấp điện và nước sạch sử dụng năng lượng mặt trời có tuổi thọ 20 năm với tổng giá trị đầu tư khoảng 500 triệu đồng. Để đảm bảo tính bền vững của hệ thống, người dân sẽ trả 2.000 đồng cho 1 số điện sử dụng và khoảng 7.000-8.000 đồng cho 1 bình nước uống tinh khiết có dung tích 20 lít. Số tiền đóng góp này sẽ bù đắp cho việc vận hành, thay thế thiết bị, sửa chữa hệ thống và do người dân quản lý hoàn toàn.

Điểm đáng chú ý là về sau khi điện lưới được kéo về thôn bản, hệ thống cũng có thể điều chỉnh để đồng bộ được với lưới điện quốc gia. Với những ưu điểm trên, mô hình này hoàn toàn có thể nhân rộng tại các địa bàn trong khu vực Tây Nguyên, cũng như các địa phương khác trên cả nước.

Xuân Quyên