Thiên tai lũ lụt, nguyên nhân sâu xa do hạn chế của luật bảo vệ rừng

BVR&MT – Vừa qua, trong phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị bổ sung cụm từ “rừng thiêng” khi nói đến tín ngưỡng bảo vệ rừng. Đại biểu này cũng cho rằng, thiên tai, lũ lụt nghiêm trọng thời gian gần đây nguyên nhân sâu xa do hệ thống pháp luật về tài nguyên rừng còn hạn chế.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình).

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, ở Việt Nam rừng là nguồn tài nguyên quý giá của đất nước, tuy vậy thật xót xa trước tình trạng rừng tự nhiên ngày càng bị tàn phá, bị cháy, bị khai thác trái pháp luật diễn ra ở nhiều địa phương và dẫn đến hậu quả thiên tai nghiêm trọng, lũ lụt tàn phá, đất đá lở gây thảm họa thương tâm cả về tính mạng và kinh tế. Có nhiều nơi cán bộ kiểm lâm còn tiếp tay cho lâm tặc, chính quyền địa phương thiếu trách nhiệm kiểm tra và thiếu những biện pháp xử lý hữu hiệu…

Theo đại biểu Phương, “nguyên nhân sâu xa là do hệ thống pháp luật về tài nguyên rừng của chúng ta còn nhiều hạn chế, trong đó có Luật Bảo vệ và phát triển rừng”.

Cũng như nhiều đại biểu Quốc hội khác, đại biểu Phương cho rằng tên gọi Luật Bảo vệ và phát triển rừng thì không đầy đủ vì ngoài bảo vệ phát triển còn phải bổ sung các nội dung trồng, chuyển giao, cho thuê, khai thác, chế biến, chuyển đổi mục đích sử dụng và hưởng thụ rừng. Luật Bảo vệ, phát triển rừng là điều chỉnh hành vi, chưa nói đến hưởng thụ rừng và làm giảm lợi ích của người dân, là một trong những nguyên nhân làm cho người dân không ham muốn quản lý bảo vệ rừng. Vì thế, cần đổi tên thành Luật Lâm nghiệp.

Ông Phương cũng đề nghị bổ sung trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong dịch vụ môi trường rừng. Dịch vụ môi trường rừng là đối tượng riêng để điều chỉnh trong chuỗi lâm nghiệp, nhưng thời gian vừa qua nhiều nơi bị tàn phá rừng do một số chính quyền địa phương và tổ chức cá nhân thiếu trách nhiệm. “Dịch vụ bảo vệ môi trường cũng rất quan trọng cần phải đưa vào điều chỉnh, đặc biệt là những vùng rừng có liên quan đến phát triển du lịch”, đại biểu này nói.

Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình còn đề nghị đổi cụm từ “rừng tín ngưỡng” tại khoản 8 Điều 2 của dự thảo thành “rừng thiêng”, vì dân gian có câu rừng thiêng nước độc, chưa ai nói đến rừng tín ngưỡng.

“Rừng thiêng là rừng mà niềm tin của người dân cho rằng rừng có một đấng siêu nhiên, mô hình nào đó cai quản, bảo vệ và nếu ai chặt phá, gây ô nhiễm hoặc làm thay đổi, biến dạng sẽ phải bị trừng phạt. Vì thế người dân có ý thức bảo vệ khác với tín ngưỡng, tín ngưỡng ở đây là niềm tin thờ cúng tổ tiên, ông bà, thành hoàng, các vị phật tổ, phật quan âm…”, đại biểu Phương phân tích.

Ông cho biết ở Quảng Bình có một thôn ở Châu Hóa, người dân không sống dựa vào rừng mà cho rằng đó là rừng thiêng cho nên không ai chặt phá và rừng được bảo vệ từ đời này qua đời khác.

Đại biểu Phương cũng đề nghị bổ sung trách nhiệm phải giải trình và lấy ý kiến trước cộng đồng dân cư vào nguyên tắc và căn cứ giao rừng, cho thuê rừng và thu hồi rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Ông Phương cho rằng điểm này rất quan trọng, vì nếu không có quy định này, các dự án cứ tổ chức thực hiện mà không phải lấy ý kiến của cộng động dân cư, sẽ dẫn đến “hợp pháp hóa để phá rừng”. Ông nêu thí dụ trường hợp đang xảy ra với bán đảo Sơn Trà hoặc trồng hoa đào ở tỉnh Điện Biên thời gian vừa qua khi cơ quan chức năng không lấy ý kiến người dân và không lấy ý kiến của các nhà khoa học để tham khảo.