Thế hệ tiếp theo có thể không bao giờ thấy các rạn san hô lộng lẫy nữa

BVR&MT – Các chuyên gia cảnh báo các khu rừng dưới biển bị tẩy trắng và bị giết bởi nhiệt độ biển đang tăng, thậm chí chúng có thể biến mất sau vài thập kỷ.

Trẻ em sinh ra ngày nay có thể là thế hệ cuối cùng được thấy các rạn san hô lộng lẫy nhất, theo một nhà sinh học biển đang điều phối các nỗ lực giám sát sự suy giảm của hệ sinh thái rực rỡ nhất thế giới.

Theo tiến sĩ David Obura, Chủ tịch Nhóm chuyên gia san hô của IUCN, hiện tượng nóng lên toàn cầu và axit hóa đại dương đã tẩy trắng từ 16 đến 33% tất cả các rạn san hô nước ấm, nhưng phần còn lại cũng dễ bị tổn thương thậm chí chỉ cần nóng thêm một phần nhỏ của 1oC.

“Giống như các chùm đèn nhấp nháy, nó không xảy ra ngay lập tức nhưng sẽ bị chết bởi 1.000 cú đánh. Từ nay đến lúc tăng 2oC, chúng ta sẽ thấy nhiều rạn san hô rơi rụng khỏi bản đồ”, ông nói với tờ Observer.

“Trẻ em sinh ra ngày nay có thể là thế hệ cuối cùng được thấy các rạn san hô lộng lẫy nhất. Các rạn san hô ngày nay có lịch sử khoảng 25 triệu đến 50 triệu năm và đã sống sót sau những va đập kiến tạo, chẳng hạn như của châu Phi vào châu Âu và Ấn Độ vào châu Á. Tuy nhiên, chỉ trong 5 thập kỷ, chúng ta đã làm suy yếu nền tảng khí hậu toàn cầu đến mức trong thế hệ tiếp theo sẽ mất đi hệ thống rạn san hô kết nối toàn cầu đã tồn tại hàng chục triệu năm”.

Cảnh báo được đưa ra ngay sau một báo cáo quan trọng về khí hậu của Liên hợp quốc đã nâng cấp các đánh giá rủi ro của việc các rạn san hô toàn cầu bị tẩy trắng nhanh hơn dự kiến. Các nhà khoa học thuộc Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) cảnh báo nếu nóng lên 2oC thì rất có thể trong vòng 50 năm tới, hơn 99% khả năng các loài san hô nhiệt đới sẽ bị tiêu diệt.

“Hầu hết các bằng chứng cho thấy các hệ sinh thái bị chi phối bởi san hô sẽ không tồn tại ở nhiệt độ này hoặc cao hơn”, theo nghiên cứu của IPCC đã được tất cả 195 quốc gia của Liên hợp quốc phê duyệt vào tháng trước.

Cùng với việc mất một trong những môi trường sinh thái đẹp đẽ và giàu tính sinh học nhất trên trái đất, báo cáo của Liên hợp quốc cũng cảnh báo về những tác động nghiêm trọng đối với nghề cá và hàng triệu người sống trong các cộng đồng ven biển sẽ bị mất nguồn thu nhập thiết yếu và ít được bảo vệ khỏi các cơn bão hơn.

San hô thường được mô tả là rừng dưới biển nhưng chúng đang mất đi nhanh hơn rất nhiều so với rừng Amazon. Cùng với cảnh quan Bắc cực và núi cao, các rạn san hô – đã tiến hóa qua hàng trăm triệu năm – có khả năng là một trong những hệ sinh thái đầu tiên bị xóa sổ bởi cuộc khủng hoảng khí hậu.

Sự gia tăng nhiệt độ chỉ từ 1 đến 20C có thể gây ra sự tan biến của loài tảo mà san hô phụ thuộc vào, vắt kiệt màu và làm cho cấu trúc san hô trở nên giòn hơn. San hô bị tẩy trắng sẽ là tạm thời nếu nước lạnh, nhưng nếu xảy ra càng thường xuyên và thời gian càng kéo dài, nguy cơ tổn thương không thể khắc phục sẽ càng lớn.

Nhưng đó chính xác là những gì đang xảy ra. Hiện tượng “tẩy trắng” lần đầu tiên được quan sát thấy vào năm 1983, ở mức độ toàn cầu vào năm 1998, rồi đến năm 2010, sau đó là trong ba năm liên tiếp từ 2015 đến 2017.

“Hiện tượng tẩy trắng san hô đang phát triển rất nghiêm trọng và thường xuyên trên khắp hành tinh, đến mức các hệ thống rạn san hô đang phân ra thành các mảnh riêng biệt”, Obura nói. “Một số rạn san hô chắc chắn sẽ sóng sót qua thế kỷ này nhưng bằng chứng khoa học cao nhất cho thấy trừ phi chúng ta làm mọi thứ để hạn chế sự nóng lên tới 1,5oC, bằng không chúng ta sẽ mất 99% rạn san hô của thế giới trong những thập kỷ tới”.

11 trong số 29 rạn san hô di sản thế giới đã bị tẩy trắng. Theo xu hướng hiện tại, UNESCO dự đoán con số này sẽ tăng lên 25 vào năm 2040.

Ở phạm vi rộng hơn, có nguy cơ cao nhất là các rạn san hô ngoài khơi Saudi Arabia, Madagascar, Hawaii và Papua New Guinea với khả năng bị tẩy trắng từ lâu trước mức trung bình toàn cầu vào năm 2043. Những rạn san hô có triển vọng sống sót lớn hơn – mặc dù khá mong manh – là ở Ai Cập, Úc (bao gồm Rạn san hô Great Barrier), Cuba, Indonesia và Philippines.

Nhưng có những mối đe dọa khác ngoài hiện tượng nóng lên và axit hóa. Ngoài khơi đảo Palawan, Philippines, các rạn san hô hoang sơ bị tàn phá nặng nề do nước thải chảy ra từ các khu du lịch, ô nhiễm từ tàu thuyền và đánh bắt vô trách nhiệm, kể cả việc bơm xyanua vào cấu trúc san hô để làm cho cá bị choáng mà nổi lên rồi thu vớt và bán rẻ cho các bể cá tại nhà của người Trung Quốc.

San hô bị tẩy trắng ở Guam vào năm 2017 (Ảnh: David Burdick/AP).

Theo Vince Cinches, chuyên gia vận động chiến dịch đại dương của Hòa bình xanh Đông Nam Á, điều đó là một tai họa đang xảy ra ở Tam giác san hô vốn là nơi trú ẩn của các loài này vì thuộc một trong những vùng biển thích ứng nhất với biến đổi khí hậu. “Ngay cả ở Philippines, chúng tôi cũng đang nhanh chóng mất đi san hô. Chúng ta cần phải giảm áp lực từ đánh bắt quá mức, từ các dự án phát triển ven biển, ô nhiễm, khai thác mỏ, du lịch và biến đổi khí hậu”.

Mặc dù một số nhà bảo tồn đang mạo hiểm cả mạng sống để ngăn chặn điều này, áp lực kinh tế vẫn tiếp tục tăng và cơ hội sống sót của san hô rất mỏng manh. Báo cáo của IPCC lưu ý ngay cả khi nhiệt độ được giữ ở 1.5oC, khoảng 70% đến 90% các rạn san hô sẽ bị mất.

Một vài trong số hơn 800 loài san hô đã được tuyên bố tuyệt chủng nhưng miễn là các tác nhân quan trọng xây dựng nên rạn san hô tiếp tục tồn tại, có một khả năng le lói rằng hệ thống phức tạp này có thể được xây dựng lại nếu nhiệt độ ổn định.

Các nhà khoa học như Obura đang ngày càng chuyển sang vận động hơn là chỉ quan sát nhưng họ cho rằng chức năng tuyệt vời cuối cùng của san hô có thể là dạy cho nhân loại bài học nên chăm sóc tốt hơn cho các hệ sinh thái khác.

“Tôi thuộc thế hệ các nhà khoa học chứng kiến san hô biến mất. Thật sự rất buồn”, ông nói. “Trên 1,5oC, trong khoảng 50 năm nữa, chúng sẽ là hệ sinh thái thuộc về huyền thoại, xuất hiện trong những sáng tạo ảo tuyệt đẹp và một kho tàng tuyệt vời cho những bộ phim và hình ảnh lịch sử nhưng rất ít được thấy trong đời thực”.

“Bằng cách đưa ra các tuyên bố của các nhà hoạt động, chúng tôi đang cố gắng làm nhiều hơn là ghi lại sự suy giảm. Cần lan tỏa thông điệp rằng chúng ta không được để điều này xảy ra với các hệ sinh thái khác. Đó là điều thúc đẩy tôi. Nếu không học bài này để hạn chế sự nóng lên thì chúng ta sẽ đối mặt với nhiều tác động hơn”.

Nhật Anh (Theo Theguardian.com)