BVR&MT – Với việc được tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như sự nỗ lực vươn lên, khai thác thế mạnh bản địa từ việc đưa những loại cây trồng, con giống có giá trị kinh tế cao vào canh tác và chăn nuôi đã mở ra hướng phát triển bền vững, mang lại nguồn thu nhập ổn định, giúp nhiều người dân huyện vùng cao Mù Cang Chải xóa đói, giảm nghèo.
Mù Cang Chải là huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, với địa hình đồi núi dốc, khí hậu khắc nghiệt cộng với tập quán canh tác lạc hậu dẫn đến hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp chưa cao, chưa tạo ra nguồn hàng hóa. Tuy nhiên, với việc được tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như sự nỗ lực vươn lên, khai thác thế mạnh bản địa từ việc đưa những loại cây trồng, con giống có giá trị kinh tế cao vào canh tác và chăn nuôi đã mở ra hướng phát triển bền vững, mang lại nguồn thu nhập ổn định, giúp nhiều người dân huyện vùng cao xóa đói, giảm nghèo.
Nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả
Nhận thấy diện tích đất xung quanh nhà để trống, lãng phí, nên năm 2009 được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp về giống cây hồng giòn, một loại cây ăn quả mới, gia đình ông Thào Nhà Của ở bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải đã mạnh dạn trồng gần 100 gốc. Sau hơn 10 năm trồng, do chịu khó chăm sóc cũng như loại cây này phù hợp với điều kiện khí hậu nên vườn hồng nhà ông Của sinh trưởng và phát triển tốt. Bắt đầu từ năm 2017, vườn hồng nhà ông cho thu hoạch, với năng suất mỗi cây trung bình từ 40 – 50 kg và với giá bán hiện dao động từ 25 – 35 nghìn đồng/kg đã mang lại cho gia đình ông thu nhập khoảng 80 triệu đồng/năm. Điều đáng nói là vườn hồng nhà ông thu hoạch đến đâu bán hết đến đó, không có đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Với chu kỳ vòng đời dài của loại cây này sẽ mang lại cho gia đình ông Của nguồn thu nhập ổn định, lâu dài.
Ông Thào Nhà Của chia sẻ, nhờ trồng hồng, gia đình ông đã thoát nghèo, cuộc sống được cải thiện lên rất nhiều. Hiệu quả từ loại cây trồng này đã khiến nhiều người dân trong xã phát triển theo giống gia đình ông, hiện tại ở xã Nậm Khắt đã có 30 ha hồng được trồng.
Còn đối với gia đình anh Sùng A Páo ở bản Trống Là, xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải, do có ít đất sản xuất nên gia đình anh chỉ phát triển chăn nuôi lợn theo quy mô nhỏ lẻ. Nhận thấy nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi có nhiều và có thể phát triển chăn nuôi lợn sạch theo hướng hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế, nên từ năm 2020, gia đình Páo đã mạnh dạn đầu tư 500 triệu đồng để xây dựng chuồng trại quy mô và mua lợn giống. Đến nay chuồng trại chăn nuôi của gia đình anh đã có gần 100 con, với giá bán từ 65 – 70 nghìn đồng/kg lợn hơi mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình anh.
Anh Sùng A Páo cho biết, do diện tích đất trống của gia đình chỉ còn lại một mảnh nhỏ nên không làm gì được, trong khi đó ở địa phương lại trồng nhiều ngô, sắn là nguồn thức ăn dồi dào, phù hợp để chăn nuôi nên gia đình quyết định đầu tư chuồng trại để chăn nuôi lợn với hy vọng giá lợn cao và ổn định sẽ giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.
Cũng ở bản Trống Là, xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải còn có gia đình anh Mùa A Của, do thiếu đất sản xuất nên gia đình không có nguồn thu nhập, nhiều năm liền là hộ nghèo của bản. Với quyết tâm vươn lên, không cam chịu nghèo khó nên sau khi tự đi tìm hiểu các mô hình kinh tế từ các tỉnh lân cận, năm 2015 gia đình anh Của quyết định mạnh dạn trồng và phát triển cây mía. Do không có đất ruộng nên gia đình anh phải đi thuê đất của các hộ gia đình khác trong thôn với mức giá 13 triệu đồng/ha/năm để trồng mía. Nhờ chịu khó và ham học hỏi nên anh Của nhanh chóng học tập được các kiến thức, kỹ thuật về chăm sóc, phát triển cây mía nên đến thời điểm này diện tích mía của gia đình anh đã nâng lên được hơn 2 ha. Theo tính toán của anh, 2 ha mía sau khi trừ mọi chi phí cũng mang lại nguồn thu cho gia đình khoảng 80 triệu đồng mỗi năm, mức thu nhập này đã góp phần giúp gia đình anh thoát nghèo.
Anh Mùa A Của chia sẻ, sau khi tìm hiểu về giống cây này, anh thấy mật độ trồng thích hợp nhất là 10 cây/m2. Sau mấy năm trồng mía đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, gia đình anh thoát được nghèo đói. Hiện gia đình anh mong muốn thuê thêm được đất để trồng nhiều hơn nữa, đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng thu nhập cho gia đình và người dân.
Thay đổi tư duy
Mù Cang Chải là huyện vùng cao còn nhiều khó khăn, với trên 90% dân số là đồng bào Mông, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông – lâm nghiệp. Trước đây, để khuyến khích người dân phát triển kinh tế gia đình, đã có nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước để giúp họ xây dựng các mô hình nông nghiệp, tuy nhiên do tư tưởng trông chờ, ỷ lại nên sau khi hết sự hỗ trợ người dân không phát triển thêm.
Hiện sau nhiều năm, bên cạnh sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước thì ý thức của người dân đã có sự thay đổi rõ rệt, không cam chịu đói nghèo, nỗ lực vươn lên, học hỏi để áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, phát triển chăn nuôi trên cơ sở khai thác các thế mạnh về điều kiện đất đai, khí hậu. Nhiều người dân còn mạnh dạn đưa vào nuôi thử nghiệm các loại cây con mới với kỳ vọng trên cơ sở thành công sẽ nhân rộng để phát triển thành hàng hóa tiêu thụ được ra thị trường.
Theo ông Phạm Tiến Lâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải, các mô hình nông nghiệp có hiệu quả kinh tế đã góp phần lớn nhất đó là thay đổi tư duy cũng như phương thức sản xuất của bà con nhân dân. Trước kia người dân vùng cao chủ yếu là sản xuất tự cung tự cấp, phục vụ đời sống gia đình, thì bây giờ đã thay đổi sản xuất theo hướng hàng hóa để đem ra thị trường tiêu thụ.
Có thể khẳng định tư duy phát triển kinh tế gia đình của người dân vùng cao đã thay đổi từng bước, sản xuất nông nghiệp chuyển sang làm kinh tế nông nghiệp, tức là tăng giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích đất. Đồng thời phát huy được lợi thế so sánh về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để lựa chọn được những loại cây trồng, con giống thích hợp, có giá trị kinh tế cao, mang tính đặc sản vùng miền, bản địa, từng bước góp phần vào sản xuất nông nghiệp theo hướng cơ cấu đặc sản, tiêu chuẩn OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) và các chứng nhận VietGAP hữu cơ.
Trong giai đoạn 2016 – 2020, huyện Mù Cang Chải đã xây dựng được 35 mô hình về phát triển nông nghiệp; trong đó, có 20 mô hình trồng trọt, 15 mô hình chăn nuôi; tổ chức 190 lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho 6.400 nông dân; quan tâm tổ chức các hội nghị đầu bờ, cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật canh tác trực tiếp ngoài ruộng cho 52.500 lượt nông dân. Đồng thời, huyện cũng làm tốt việc quản lý vật tư nông nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa và năng suất lao động cho người dân.
Ông Lê Trọng Khang, Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết, hàng năm, huyện chỉ đạo làm tốt việc tuyên truyền phổ biến, triển khai áp dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, nhất là trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Thời gian tới, huyện Mù Cang Chải tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất và đời sống; tập trung xây dựng các mô hình tạo ra sản phẩm có giá trị tăng cao, có tính cạnh tranh trên thị trường; xây dựng các mô hình liên kết trong sản xuất, nhất là trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ; ưu tiên, lựa chọn các sản phẩm chủ lực có số lượng lớn, chất lượng cao để thực hiện Chương trình OCOP….
Hiện tại, chưa có số liệu thống kê cụ thể về các mô hình kinh tế nông nghiệp đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế, nhưng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền huyện Mù Cang Chải cùng sự nỗ lực vươn lên của chính người dân sẽ còn nhiều mô hình nông nghiệp về trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả ra đời. Đây sẽ là tiền đề để huyện vùng cao Mù Cang Chải thực hiện thắng lợi chỉ tiêu giảm nghèo, phấn đấu đến năm 2025 là huyện cơ bản thoát nghèo và đến năm 2030 không còn là huyện nghèo.