Thất vọng trước quyết định khởi động tham vấn với đập Pak Beng

BVR&MT – Cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Liên hợp thuộc Ủy hội sông Mê Kông (MRC) về Quy trình Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận (PNPCA) đối với dự án đập thủy điện Pak Beng trên dòng chính sông Mê Kông đã diễn ra tại thủ đô Vientiane vào ngày 13/01/2017 với sự tham dự của đại diện các quốc gia Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam cùng Ban thư ký MRC.

Theo đó, cuộc họp các bên liên quan trong khu vực sẽ diễn ra vào tháng 2 năm 2017; chuyến khảo sát thực địa tại Pak Beng sẽ được thực hiện vào tháng 4 năm 2017; các buổi trao đổi, chia sẻ thông tin, lấy ý kiến trên website cũng sẽ được thực hiện để các bên có thể thảo luận và bày tỏ ý kiến.

Việc chính thức khởi động quá trình Tham vấn trước chỉ diễn ra 2 tháng sau khi Chính phủ Lào thông báo chính thức với MRC về ý định triển khai xây dựng thủy điện Pak Beng. Trong khi các tài liệu của dự án, bao gồm Đánh giá tác động môi trường đều chưa được công bố.

Phản ứng trước hành động của MRC, trong thông cáo phát đi ngày 16/01/2017, Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (IR) cho biết: “Chúng tôi rất thất vọng trước thông báo của Ủy hội về việc khởi động Quy trình tham vấn của đập Pak Beng trong khi những quan ngại sâu sắc liên quan tới việc ra quyết định và tiến hành xây dựng hai đập Xayaburi và Don Sahong vẫn chưa được giải quyết. Thậm chí, chính MRC cũng thừa nhận các quốc gia thành viên đã không đạt được sự đồng thuận trong quá trình Tham vấn trước với cả hai dự án này. Hiện nay Xayaburi và Don Sahong vẫn đang được thi công khẩn trương, song những quan ngại này không thể bị lãng quên và phải được giải quyết trước khi xem xét để xây dựng các thủy điện tiếp theo ở hạ nguồn.”

IR cũng cho rằng việc MRC khởi động PNPCA với đập Pak Beng trước khi Quy trình này được đánh giá lại một cách chính thức là thiếu trách nhiệm. Quy trình PNPCA trước đó đã gặp phải nhiều chỉ trích từ các bên, bao gồm cả các cộng đồng trên lưu vực và các nhà tài trợ quốc tế của MRC. Từ đó, Liên minh Cứu sông Mê Kông cùng các chuyên gia pháp lý và các bên liên quan cũng đã đưa ra nhiều khuyến nghị để cải thiện Quy trình PNPCA. Và mặc dù đã có những cam kết từ Ban Thư ký MRC song hiện không có dấu hiệu nào cho thấy Quy trình này đã có thay đổi và cải thiện. Việc hồ sơ dự án thủy điện Pak Beng vẫn chưa được công bố vào thời điểm Quy trình PNPCA chính thức được khởi động một lần nữa cho thấy sự thiếu minh bạch đang lặp lại, như từng xảy ra với các dự án trước đó.

Theo IR, đập Pak Beng sẽ có những tác động xuyên biên giới nghiêm trọng đối với lưu vực, làm trầm trọng thêm tác động của các dự án hiện có. Các nghiên cứu khoa học bao gồm cả Đánh giá môi trường chiến lược của MRC trên dòng chính sông Mê Kông đều chỉ ra rằng việc xây dựng nhiều đập trên sông Mê Kông sẽ có những tác động đáng kể đến nguồn thủy sản, trầm tích và chế độ thủy văn. Cách thức quản lý và điều hành các đập cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới bản chất và mức độ của các tác động. Đánh giá tác động xuyên biên giới, đánh giá tác động tích lũy và nghiên cứu trên toàn lưu vực là việc làm rất cần thiết để đưa ra các quyết định về sự phát triển các đập trên dòng chính sông Mê Kông. Trong khi đó, phương pháp tiếp cận theo từng dự án hiện nay cùng với sự thiếu hiệu quả của Quy trình PNPCA không thể giải quyết các tác động tích lũy và gia tăng nguy cơ vì nhiều dự án được thông qua một cách riêng rẽ và được triển khai theo từng dự án một.

Tổ chức Sông ngòi quốc tế nhấn mạnh, nếu Chính phủ Lào thể hiện thiện chí và tuân thủ tinh thần Hiệp đinh Mê Kông, họ nên dừng các hoạt động lên kế hoạch cũng như xây dựng thủy điện Pak Beng; đồng thời cần minh bạch thông tin, giải quyết mối quan ngại của các quốc gia láng giềng và cộng đồng bị ảnh hưởng trước khi bắt đầu quá trình tham vấn xây dựng một đập mới. MRC và các quốc gia Mê Kông nên ưu tiên hoàn thành nghiên cứu của Hội đồng MRC để phục vụ thông tin cho quá trình ra quyết định đối với các đập dòng chính trên sông Mê Kông. Không nên có quyết định xem xét các đập tiếp theo khi chưa giải quyết được hết những thách thức hiện tại, bao gồm cả cách thức để đảm bảo cộng đồng bị ảnh hưởng được tham vấn một cách có ý nghĩa.

Đập Pak Beng nằm trên dòng chính sông Mê Kông, án ngữ vị trí giữa thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) và thủy điện Xayaburi (Lào), cách thị trấn Pak Beng, tỉnh Oudomxay 14km về phía Bắc.
Dự án có công suất thiết kế 912MW, sản lượng điện trung bình hàng năm là 4.775 GWh. 90% lượng điện sản xuất sẽ được xuất khẩu sang Thái Lan và 10% còn lại thuộc sở hữu và phân phối của Điện lực quốc gia Lào.Dự kiến nếu được xây dựng dự án sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới khoảng 6.700 người, với 25 ngôi làng của người Lào và 2 ngôi làng của người Thái.
Cuộc họp đã thảo luận một số vấn đề quan trọng cho việc triển khai Quy trình Tham vấn trước dự kiến sẽ diễn ra trong 6 tháng. Tại cuộc họp, Ủy ban đã quyết định thời điểm bắt đầu Quy trình PNPCA của dự án Pak Beng được tính từ ngày 20/12/2016.

Bích Ngọc