Tháo gỡ những nút thắt trong thực hiện tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp

BVR&MT – Chiều ngày 25/5, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường làm rõ thêm một số vấn đề các đại biểu quan tâm.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.

Trong phiên thảo luận buổi chiều, các đại biểu Quốc hội cơ bản bày tỏ nhất trí với các nội dung trong báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế; đồng thời đánh giá cao những thành tựu đã đạt được trong 2017 và 4 tháng đầu năm 2018. Với tốc độ tăng trưởng GDP khởi sắc, nền kinh tế chuyển dịch năng động, nông lâm nghiệp tăng trưởng ấn tượng, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, cán cân thương mại đều thặng dư so với các năm trước đây… Các đại biểu Quốc hội tin tưởng trong năm 2018, kinh tế- xã hội của nước ta tiếp tục có những bước phát triển đáng ghi nhận.

Cùng với những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế, tình hình văn hóa, xã hội, môi trường của nước ta cũng đạt nhiều kết quả đáng chú ý. Các cấp, các ngành đã triển khai thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công. Việc hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, vùng bị thiên tai được triển khai thiết thực, hiệu quả. Trong 4 tháng đầu năm 2018, đã giải quyết việc làm cho khoảng 500 nghìn lao động, trong đó đưa khoảng 40 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đã đạt trên 87%. Hệ thống giáo dục của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới được đánh giá nằm trong top 10 hàng đầu khu vực… Nhiều đại biểu cho rằng: Để tăng trưởng bền vững, Chính phủ cần kiểm soát độ mở của nền kinh tế theo hướng tăng cường xúc tiến thương mại nội lực, phát triển thị trường nội địa trong nước. Bên cạnh đó, mặc dù đầu tư nước ngoài đóng góp vào kinh tế của đất nước trên 20% GDP, 24% tổng vốn đầu tư xã hội, 72% kim ngạch xuất khẩu và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Song lại tồn tại vấn đề cần phải khắc phục như vấn đề môi trường, chuyển giá, gian lận thương mại, những việc hỗ trợ chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ…

Phát biểu giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, cho rằng nông nghiệp giai đoạn vừa qua đứng trước 2 cái nhất. Thứ nhất là thách thức lớn nhất với 3 yếu tố cụ thể: Nông nghiệp phải tiến lên hiện đại từ một nền nông nghiệp hộ nhỏ lẻ phân tán; biến đổi khí hậu lớn nhất của nhân loại và hội nhập quốc tế sâu rộng lớn nhất.

Thứ hai là ngành Nông nghiệp đón nhận sự ủng hộ quan tâm đồng bộ, chỉ đạo xuyên suốt nhất của cả hệ thống chính trị, từ cơ quan đảng, cơ quan nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các thành phần kinh tế và toàn dân. Chính điều này tạo ra sự lan tỏa.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nêu hàng loạt dẫn chứng như trong 2 năm qua, số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tăng từ con số 3.700 lên 7.620, cùng với 12.000 hợp tác xã và 33.000 hộ trang trại đã tạo nên kết quả ban đầu quan trọng, có tính chất tiền đề. Đặc biệt, 4 tháng đầu năm 2018, tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 4,05%, là tốc độ tăng trưởng lớn nhất từ trước đến nay.

Xuất khẩu nông sản được mở rộng tới 180 nước với nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ… Giá trị tuyệt đối của nông sản tăng (dự báo năm 2018 có thể vượt 40 tỷ USD). 3 nhóm sản phẩm trong nội dung tái cơ cấu quốc gia, nhóm sản phẩm cấp tỉnh và nhóm sản phẩm cấp làng xã đang cơ cấu theo hướng tổ chức lại theo chuỗi, ứng dụng công nghệ cao đang đi đúng hướng.

Thừa nhận một số khó khăn, tồn tại trong tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp hiện đại như nhiều đại biểu đã nêu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Tính liên kết trong sản xuất, trong sản phẩm còn yếu; chế biến chưa tương xứng với sức sản xuất nên có lúc sản phẩm bị dư thừa do thời vụ, khi có biến động thị trường thế giới; quản lý nhà nước nhiều mặt còn bất cập từ vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp, khâu tổ chức sản xuất và kiểm soát, lưu thông hàng hóa; xuất khẩu nhiều nhưng thị trường bấp bênh, chưa ổn định, chưa có thương hiệu…

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh).

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhận định, kinh tế Việt Nam kết thúc năm 2017 với những kết quả đáng trân trọng: Chúng ta tăng trưởng nhưng vẫn bảo đảm kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cán cân thương mại thặng dư; quá trình tái cơ cấu ngân hàng được bảo đảm; nợ công từ 63,7% GDP xuống còn 61,7% GDP…

Để nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng bền vững hơn, đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp kiểm soát “độ mở” của nền kinh tế theo hướng tăng cường xúc tiến thương mại nội địa để tận dụng ưu thế của thị trường hơn 90 triệu dân, qua đó hạn chế những tác động tiêu cực từ bên ngoài đối với nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh xu hướng bảo hộ của các nước đang tăng lên.

Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, 30 năm qua, Việt Nam đã thu hút được 370 tỷ USD; hiện có 3.400 dự án FDI đang triển khai. Doanh nghiệp FDI đóng góp 20% GDP, 72% kim ngạch xuất khẩu, tạo công ăn việc làm và thu ngân sách… Tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, hoạt động của khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng có nhiều tồn tại cần khắc phục, trong đó có vấn đề về môi trường, tài chính, chuyển giao công nghệ,… Do đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần có định hướng trong thu hút các dự án FDI, bảo đảm chỉ thu hút các dự án theo tiêu chí: Xanh – Sạch – Công nghệ cao – Tính lan tỏa; cần có bàn tay hữu hình của Chính phủ để kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài… Chính phủ phải có chiến lược định hướng thu hút FDI, ưu tiên các tiêu chí xanh, sạch, không có vết nhơ như trốn thuế, gian lận thương mại.

Đề cập việc giải cứu thịt lợn, mía đường, khoai lang, dưa hấu và gần đây là củ cải…. khiến hàng vạn nông dân lao đao, phá sản, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị, cần hệ thống chính sách hỗ trợ cho công nghệ chế biến, thương mại hóa sản phẩm, kết nối thị trường.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, để không còn câu chuyện nông nghiệp giải cứu, nông nghiệp từ thiện cần thực hiện chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, trong đó hướng tới chuỗi ngành hàng nông sản. Rất cần hệ thống chính sách hỗ trợ cho công nghệ bảo quản, chế biến, thương mại hóa sản phẩm, kết nối thị trường. Muốn vậy cần đổi mới công tác khuyến nông, theo hướng hỗ hợ tăng sản lượng, hỗ trợ người sản xuất tiếp cận với thông tin thị trường, công nghệ bảo quản chế biến nông sản và phát triển thị trường.

Phát biểu giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thừa nhận trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều tồn tại, như tính liên kết 3 trục sản phẩm là: sản phẩm nông nghiệp cấp quốc gia, cấp tỉnh, địa phương; khâu chế biến còn yếu; quản lý nhà nước còn nhiều bất cập. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, còn bất cập về quản lý nhà nước ở trong cả quá trình tổ chức sản xuất và kiểm soát lưu thông hàng hóa. Đây là những khâu còn yếu, kể cả bộ chuyên ngành, kể cả bộ liên quan và cả cấp quản lý từ trung ương đến địa phương. Điểm yếu nữa là thị trường bấp bênh, chưa có thương hiệu, chất lượng, mẫu mã hàng hóa chưa được tương xứng. Thị trường trong nước tổ chức chưa được. Một đất nước chuyển đổi 32% đô thị, 13 triệu công nhân nhưng các thiết chế hạ tầng thương mại hiện đại để phục vụ thị trường trong nước cho 93 triệu dân xoay chưa kịp.

Tranh luận lại với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về cách phân loại nông sản hàng hóa theo 3 cấp tỉnh, huyện, xã, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng: Nói như Bộ trưởng có thể dẫn đến cách hiểu lầm đó là phân cấp trách nhiệm cho 3 cấp chính quyền trong việc hỗ trợ cho nông dân tiêu thụ sản phẩm. Theo đại biểu Lê Thanh Vân, trong kinh tế thị trường chỉ có sản xuất hàng hóa và tiêu thụ hàng hóa, chỉ có quan hệ người sản xuất và người tiêu thụ. Như vậy, yếu tố mà tác động từ các cấp chính quyền là sự hỗ trợ của nhà nước. Câu chuyện “được mùa rớt giá”, “giải cứu nông sản” chính từ tư duy phân cấp như thế này. Trong công nghiệp 4.0, nông nghiệp thông minh là sản xuất theo địa chỉ tiêu thụ, nhiều nước có thể để ruộng đất bỏ không nếu không có đặt hàng. Trong khi đó nông dân của chúng ta sản xuất hàng hóa theo thị trường, khi có trào lưu tiêu thụ mà không tính đến cung – cầu. Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị phải xây dựng cơ sở dữ liệu toàn diện về chỉ dẫn địa lý với năng lực sản xuất, sản lượng tiêu thụ, giá cả, môi trường kết nối… có thể giải cứu được nông sản khi được mùa rớt giá.

Ngày mai (26/5), Quốc hội làm việc tại hội trường. Buổi sáng, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước và quyết toán ngân sách nhà nước. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về xử lý một số vấn đề phát sinh trong điều hành ngân sách nhà nước năm 2017 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.