BVR&MT – Hiện nay toàn tỉnh Thái Nguyên có hơn 90 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã. Thời gian qua, cùng với việc khuyến khích, tạo cơ chế, chính sách giúp các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã phát triển, Chi cục Kiểm lâm tỉnh còn tăng cường công tác quản lý nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác, buôn bán, sử dụng trái phép động vật hoang dã quý hiếm, góp phần bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học.
Đến thực tế tại mô hình nuôi rắn của gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết Lan, ở xóm Thái Sơn 2, xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên), chúng tôi quan sát thấy rắn hổ mang được nuôi trong từng ô vuông nhỏ, có nắp đậy cẩn thận. Chị Lan chia sẻ: “Để gây nuôi được loài động vật hoang dã này ban đầu rất khó khăn, vất vả. Thậm chí, gia đình tôi nhiều lần còn bị thiệt hại lớn về kinh tế khi đàn rắn bị bệnh chết hàng loạt hoặc có thời điểm đến kỳ xuất bán mà không có người mua. Tuy nhiên, do tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tôi đã liên hệ được với các thương lái, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất bán sang thị trường Trung Quốc. Với quy mô khoảng 2.000 con rắn, lợi nhuận trung bình mỗi năm gia đình chị thu được trên dưới 200 triệu đồng”.
Khác với gia đình chị Lan, gia đình anh Nguyễn Mạnh Thành, ở xóm 4, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) lại lựa chọn nuôi rùa. Năm 2013, sau khi học hỏi kinh nghiệm ở một số tỉnh bạn, anh Thành quyết định đầu tư nuôi gần 100 con rùa các loại như: rùa câm, rùa đất lớn, rùa hộp lưng đen, rùa cổ sọc. Để đàn rùa phát triển ổn định, ít bị ảnh hưởng bởi thiết tiết nắng nóng hay rét đậm, gia đình anh đầu tư hệ thống điều hòa, máy sưởi trong chuồng nuôi. Mỗi loài được anh chia thành từng ô, tùy vào từng giai đoạn phát triển… Hiện nay, nhà anh Thành có trên 350 con rùa các loại, trong đó, bán đắt nhất là rùa câm với giá từ 5-7 triệu đồng/kg, các loại rùa còn lại có giá từ 600.000-1 triệu đồng/kg, thu nhập trung bình đạt 300 triệu đồng/năm.
Không chỉ gia đình chị Lan, anh Thành, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 90 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã, chủ yếu là các loài: rắn, gấu, hổ, lợn rừng, rùa, cầy vòi… Hầu hết các cơ sở gây nuôi đều đầu tư chuồng trại kiên cố, tách biệt với môi trường xung quanh. Hằng năm, Chi cục Kiểm lâm đều chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Hạt kiểm lâm các huyện, thành, thị rà soát, kiểm tra, thẩm định hồ sơ nguồn gốc, số lượng, chủng loại động vật hoang dã, tiêu chuẩn chuồng trại theo quy định rồi mới xem xét cấp giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi (cấp mới, hoặc cấp lại) cho các tổ chức, cá nhân. Trao đổi với chúng tôi, anh Phùng Văn Trung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ cho biết: Trong quá trình quản lý, chúng tôi thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các chủ cơ sở xây dựng chuồng trại phù hợp, ghi chép đầy đủ tình hình gây nuôi, nhập, xuất động vật hoang dã và thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về tình hình nhập, xuất với cơ quan chức năng.
Bên cạnh việc khuyến khích các hộ dân phát triển, mở rộng quy mô chăn nuôi, Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên còn tăng cường công tác quản lý các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã; kiên quyết xử lý các trường hợp nuôi động vật hoang dã không có nguồn gốc, hồ sơ hợp pháp. Cùng với đó, lực lượng kiểm lâm còn phối hợp với Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (Hà Nội), Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã nước Việt (Ninh Bình) tuyên truyền, vận động các chủ cơ sở nuôi gấu tự nguyện giao, nộp gấu nuôi. Anh Nguyễn Văn Thắng, Phó trưởng Phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm cho biết: Thực hiện chức năng quản lý, Chi cục thường xuyên kiểm tra, theo dõi số lượng, diễn biến quá trình sinh trưởng, phát triển của vật nuôi. Đồng thời, yêu cầu người dân chấp hành nghiêm thủ tục hành chính liên quan đến vật nuôi, tuyệt đối không để vật nuôi xổng chuồng, có thể gây nguy hiểm tới tính mạng con người. Nghiêm cấm hành vi săn bắt động vật hoang dã từ tự nhiên về gây nuôi, ngăn cấm việc vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép động vật hoang dã.