BVR&MT – UBND tỉnh Thái Bình mới ban hành kế hoạch số 55/KH-UBND thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thái Bình (OCOP) năm 2022.
Theo đó, trong năm 2022, tỉnh Thái Bình đặt mục tiêu khảo sát, đánh giá, tư vấn, hướng dẫn cho 32 chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP và phấn đấu có trên 20 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên.
Bên cạnh đó, tỉnh Thái Bình củng cố, phát triển, nâng cấp hạng sao các sản phẩm OCOP cho những sản phẩm đã đạt điểm tương đương 2 sao, 3 sao; lựa chọn từ 1 – 2 sản phẩm đạt 90 điểm trở lên đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, phân hạng sản phẩm 5 sao cấp quốc gia. Tỉnh hỗ trợ tư vấn nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, phát triển sản phẩm cho 100% các cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP. 100% sản phẩm OCOP được cấp có thẩm quyền chứng nhận đạt sao phải in logo thứ hạng sao, có mã số, mã vạch để truy suất nguồn gốc theo quy định.
Các sản phẩm lựa chọn, đăng ký tham gia Chương trình OCOP của tỉnh Thái Bình phải đảm bảo các yêu cầu, như: Sản phẩm có tính chủ lực, tính đặc trưng ở địa phương, xây dựng được vùng nguyên liệu để mở rộng sản xuất, tham gia hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị nhằm tạo sự đột phá trong sản xuất nông sản hàng hóa tại địa phương; việc phát triển sản phẩm sẽ làm tăng khả năng giải quyết việc làm cho lao động, tăng thu nhập cho người dân; sản phẩm phải đảm bảo chất lượng sau khi được công nhận hạng sao OCOP, có sức cạnh tranh trên thị trường, có triển vọng xuất khẩu; ưu tiên các sản phẩm được sản xuất theo hướng áp dụng công nghệ mới, các tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến như GlobalGAP, Organic, GMP, HACCP, ISO,…
Cơ quan thường trực Chương trình OCOP cấp huyện tiếp nhận phiếu đăng ký sản phẩm tham gia và tổ chức đánh giá, lựa chọn các sản phẩm tiềm năng, lập danh sách gửi về Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh để làm cơ sở xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP năm 2022.
Tỉnh Thái Bình xác định sản phẩm OCOP là một nội dung trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Việc thực hiện Chương trình OCOP năm 2022 phải bám sát định hướng, quan điểm, mục tiêu chương trình và tình hình thực tế tại địa phương.
Tỉnh yêu cầu phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo của người dân, các chủ thể sản xuất có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; lồng ghép các chương trình, dự án ưu tiên hỗ trợ các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP. Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ tích cực chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất thực hiện tốt các nội dung hoạt động của Chương trình OCOP…
Trước đó, năm 2021, UBND tỉnh Thái đã công bố, trao giấy chứng nhận cho 17 sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh, đạt xếp hạng 4 sao; trong đó có 2 sản phẩm đủ điều kiện đăng ký tham gia sản phẩm 5 sao cấp Quốc gia. Năm 2021, tỉnh Thái Bình có 47 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, trong đó, có 25 sản phẩm nông sản thực phẩm, đặc biệt có 6 sản phẩm gạo mang thương hiệu Thái Bình.