BVR&MT – Xác định tầm quan trọng của nước sạch đối với người dân, những năm qua, tỉnh Thái Bình luôn quan tâm thực hiện có hiệu quả Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho mỗi các nhân, gia đình và cộng đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, thay đổi bộ mặt nông thôn.
Ưu đãi với đầu tư nước sạch nông thôn
Trước thực trạng người dân nông thôn thiếu nước sạch trong sinh hoạt, từ năm 2012, tỉnh Thái Bình luôn coi vấn đề nước sinh hoạt và môi trường nông thôn là một trong những mục tiêu quan trọng trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Một trong những yếu tố tạo nên sự thành công trong thực hiện chương trình nước sạch nông thôn ở Thái Bình là những cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, các cấp, các ngành, các địa phương đã vào cuộc rất tích cực để các dự án nước sạch nông thôn sớm đưa vào hoạt động.
Nhiều nghị quyết, quyết định và các văn bản chỉ đạo liên quan đến nước sạch được ban hành. Liên tục trong các năm 2012, 2014, UBND tỉnh ban hành các Quyết định số 12/2012/QĐ-UBND và Quyết định số 19/2014/QĐ-UBND quy định một số cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2012 – 2015. Cùng với đó, UBND tỉnh cũng ban hành một số cơ chế và quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh như: Hỗ trợ 100% tiền giải phóng mặt bằng, ưu đãi tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và hưởng những ưu đãi về thuế.
Chính nhờ những ưu đãi trên mà tỉnh Thái Bình đã nhận được sự quan tâm đầu tư của nhiều doanh nghiệp. Khác với các dự án đầu tư cho công trình nước sạch nông thôn của Chương trình Mục tiêu Quốc gia và vốn vay của ngân hàng thế giới, các doanh nghiệp đầu tư sau khi có những ưu đãi từ Quyết định số 12/2012/QĐ-UBND thường có quy mô và giá trị công trình lớn hơn, không chỉ tập trung ở 2-3 xã như trước mà mở rộng thành 7-8 xã, thậm chí hơn 10 xã trên một công trình.
Con số thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Bình cho biết, đến hết năm 2017 toàn tỉnh có 57 dự án đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn. Các dự án đầu tư xây dựng mới, đầu tư nâng cấp mở rộng cơ bản hoàn thành công trình đầu mối và hệ thống đường ống đến từng hộ dân. Các dự án chuyển giao cho doanh nghiệp quản lý duy trì hoạt động ổn định. Toàn tỉnh có 429. 876 hộ dân của 276 xã, thị trấn đã đấu nối, sử dụng nước sạch, đạt tỷ lệ 77,9%.
Để nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, nhất là với đối tượng chính sách, UBND Thái Bình đã có nhiều chính sách hỗ trợ để khuyến khích và tạo điều kiện cho các hộ nghèo sử dụng nước sạch, trong số tiền 2,7 triệu đồng chi phí đấu nối mới, hộ nghèo chỉ phải đóng trước 500 nghìn đồng, số tiền còn lại được trả góp dần trong 24 tháng.
Bên cạnh đó, Tỉnh đề nghị ngân hàng chính sách xã hội kết hợp với UBND các xã giải quyết nguồn vốn vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch vệ sinh môi trường, đảm bảo thời gian quy trình thủ tục theo đúng quy định, đúng đối tượng tạo điều kiện cho các hộ vay vốn kịp thời đấu nối và sử dụng nước sạch.
Người dân được lợi
Một trong những đơn vị tiêu biểu trong việc cung ứng nước sạch cho nhân dân nông thôn thời gian qua phải kể đến xí nghiệp nước sạch An Lễ.
Với kinh phí đầu tư hơn 60 tỷ đồng, dự án nhà máy xử lý nước sinh hoạt cho nhân dân cụm 10 xã đặt tại xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ do Công ty TNHH Xây dựng Phú Ðông Thành đầu tư đã đi vào hoạt động từ tháng 5 năm 2015, công suất 11.000 m3/ngày đêm.
Ông Nguyễn Duy Thùy – Giám đốc nhà máy nước An Lễ cho biết: “Với phương châm đặt chữ Tín lên hàng đầu, công ty chúng tôi cam kết đem đến chất lượng nguồn nước sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh cho bà con yên tâm sử dụng đồng thời chủ động phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân về vấn đề sử dụng nước sạch đối với sức khỏe nhân dân, áp dụng nhiều cơ chế để khuyến khích người dân sử dụng nước sạch”.
Đối với giá bán nước sạch cũng được quy định cụ thể trong các quy định của tỉnh theo khung giá tiêu thụ nước sinh hoạt do Bộ Tài chính quy định để tránh tình trạng độc quyền, nâng giá, đảm bảo lợi ích cho nhân dân.
“Trước đây, nguồn nước chúng tôi sử dụng là nước giếng khoan, vài tháng lại phải thay cát, sỏi để lọc trong khi nguồn nước lại không đảm bảo vệ sinh, có mùi tanh, hôi rất khó chịu. Từ khi có các chương trình đưa nước sạch về nông thôn, bà con chúng tôi rất phấn khởi khi được sử dụng nguồn nước đảm bảo vệ sinh”, ông Nguyễn Quang Hướng, xã An Tràng, huyện Quỳnh Phụ vui mừng chia sẻ.
Có thể thấy, từ khi có những công trình nước sạch đưa vào sử dụng đã đem lại hiệu quả thiết thực, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Thái Bình, đồng thời làm thay đổi nhận thức của người dân, đặc biệt là những hộ dân nông thôn về ý nghĩa, lợi ích của việc sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường. Nhiều công trình đã đạt hiệu quả đầu tư cao, với gần 90% số người đã sử dụng.
Trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì tiêu chí 17.1 quy định tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch phải đạt tối thiểu 65%. Xét theo tỷ lệ này tại khu vực nông thôn Thái Bình thì nhiều xã đã đạt và vượt xa tiêu chí. Theo đà này, tin tưởng rằng với những nỗ lực của mình, trong thời gian tới, Thái Bình sẽ hoàn thành mục tiêu tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch hợp vệ sinh trên địa bàn toàn tỉnh đạt 100%.
Khi những tác động xấu của ô nhiễm môi trường nông thôn ngày càng trở nên báo động, nguồn nước ngầm trong sinh hoạt đang bị ảnh hưởng và không đảm bảo an toàn. Những đột phá trong việc giải quyết vấn đề đưa nước sạch về nông thôn đang là tín hiệu vui cho người dân quê lúa Thái Bình.
Xuân Thắng – Tiến Trưởng