BVR&MT – Vốn là chủ doanh nghiệp đang làm ăn phát đạt tại miền Nam nhưng nặng lòng với gia đình, quê hương, vợ chồng chị Nguyễn Thị Quyên, thôn Trần Phú, xã Đông Á (Đông Hưng) quyết định bán hết cổ phần, tài sản để về quê lập nghiệp. Nào ngờ đây lại là cơ duyên giúp vợ chồng chị tìm thấy hướng làm giàu mới.
Ngày mới về quê, nhiều người không hiểu nói bóng gió rằng vợ chồng chị Quyên gàn dở, trẻ tuổi thiếu suy nghĩ, nhưng 10 năm sau, cơ ngơi mà hai vợ chồng chị vun vén, xây dựng trên quê hương mình lại khiến mọi người trầm trồ khen ngợi. Hiện anh Nhâm Công Hoàng, chồng chị Quyên đang là Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Thiên Phú Lâm chuyên sản xuất, kinh doanh các mặt hàng từ gỗ, có trụ sở chính tại xã Đông Cơ (Tiền Hải). Còn chị Quyên là chủ cơ sở chế biến gỗ tại xã Đông Á. Không chỉ làm giàu cho gia đình, doanh nghiệp của anh chị còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động.
Chị Quyên nhớ lại: Năm 2012, vợ chồng tôi bán toàn bộ cổ phần Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Hùng Long tại tỉnh Bình Dương – nơi mà vợ chồng tâm huyết chung vốn gây dựng và bán nhà cửa, xe ô tô được hơn 2 tỷ đồng. Về quê, vợ chồng tôi vay mượn thêm gần 1 tỷ đồng để thuê đất mở xưởng, đầu tư máy móc, nguyên liệu làm gỗ pallet. Chúng tôi rong ruổi khắp các tỉnh từ Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh để tìm mua cây keo về làm. Khi có sản phẩm, hai vợ chồng lại đi khắp nơi để tìm thị trường tiêu thụ. Rồi khó khăn ban đầu cũng qua, từ xưởng sản xuất hơn 500m2 với 18 công nhân, giờ đây chúng tôi đã mở doanh nghiệp với 3 cơ sở sản xuất, cuộc sống dần ổn định.
Trải qua những khó khăn, vất vả của tháng ngày bươn trải, với bản tính cần cù, chịu khó, chị Quyên càng khẳng định bản thân để có thành công bước đầu như ngày hôm nay. Để vừa có thời gian dành cho công việc vừa quán xuyến gia đình, mọi công việc ở Công ty TNHH Sản xuất thương mại Thiên Phú Lâm do chồng đảm nhiệm còn chị đứng ra thành lập cơ sở chế biến gỗ tại chợ Chùa, xã Đông Á. Hai năm nay, tuy chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19 nhưng cơ sở sản xuất của chị Quyên vẫn hoạt động ổn định với doanh thu hơn 300 triệu đồng/năm.
Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp chị Quyên là sự chân thành, nhanh nhẹn, tháo vát. Dù làm chủ nhưng chị Quyên không ngại khó, ngại khổ và luôn xốc vác với công việc. Từ việc quản lý, điều hành các hoạt động ở xưởng, chị Quyên không ngại vất vả khi tham gia vào các công việc nặng nhọc như khuân vác, lái xe nâng, cưa xẻ… Với chị, chủ động trong mọi công việc là yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của người kinh doanh và đây cũng là cách để người làm chủ hiểu và đồng hành với người lao động của mình. Hiện cơ sở chế biến gỗ do chị Quyên làm chủ có 11 lao động địa phương, trong đó có 6 lao động nữ. Mức thu nhập bình quân của người lao động làm việc tại đây luôn ổn định từ 5 – 6 triệu đồng/tháng. Đa số họ đều gắn bó với cơ sở từ những ngày đầu đi vào hoạt động và coi đây như gia đình thứ hai của mình.
Không chỉ năng động trong sản xuất, kinh doanh, chị Quyên còn tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương, nhất là hoạt động an sinh xã hội. Chị Phạm Thị Hòa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đông Á cho biết: Chị Quyên là hội viên điển hình trong thực hiện phong trào phụ nữ thi đua phát triển kinh tế ở địa phương. Không chỉ làm giàu cho gia đình, vợ chồng chị còn thường xuyên trích một phần lợi nhuận từ kinh doanh ủng hộ phong trào xây dựng nông thôn mới ở xã Đông Á, ủng hộ quỹ phòng, chống dịch Covid-19 và tặng quà học sinh, hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Chị Quyên là hạt nhân tích cực tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ và các phong trào của Hội, là tấm gương để cán bộ, hội viên, phụ nữ trong xã học tập.
Để kinh doanh thành công đã khó, với phụ nữ việc đó còn khó hơn rất nhiều. Hy vọng rằng sẽ có nhiều phụ nữ mạnh dạn, quyết tâm khởi nghiệp phát triển kinh tế như chị Quyên, góp phần khẳng định vai trò, vị thế người phụ nữ trong gia đình và xã hội.