Thách thức lớn ẩn sau một đại dương đang nóng dần

BVR&MT – Hiện tượng nóng lên toàn cầu đang gây ra một loạt biến đổi trên khắp các đại dương với những ảnh hưởng kéo dài hàng thập kỷ, ngay cả khi có thể kiểm soát phát thải khí nhà kính từ hoạt động của con người.
Theo báo cáo của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), đây không còn là mối quan ngại trong tương lai, hay chỉ là những câu chuyện về các rạn san hô bị phá hủy, mà là cả một danh sách ngày càng dài những biến đổi đáng báo động, vượt ra khỏi phạm vi một hệ sinh thái hay một không gian địa lý, lan rộng trên toàn thế giới. Đây có thể là thách thức tiềm ẩn lớn nhất đối với thế hệ chúng ta. Các loài cá biển, sinh vật biển có vú, chim biển và thậm chí cả con người đều đã và đang phải chịu ảnh hưởng. Đại dương hấp thụ hơn 93% sự gia tăng nhiệt độ do hoạt động của con người trên toàn cầu từ những năm 1970, xu hướng này vẫn tiếp tục duy trì và có dấu hiệu gia tăng. Nước biển nóng lên cũng gây ra những biến đổi nghiêm trọng hơn rất nhiều so với những ảnh hưởng đơn lẻ đến rạn san hô, chủ đề đã từng tiêu tốn không ít giấy mực của báo giới từ sự kiện tẩy trắng toàn cầu vào năm 2014.
Rùa biển xanh. (Ảnh: Rhett Butler)
Hiện tượng này đang gây ảnh hưởng đến toàn bộ hệ sinh thái, từ vùng cực cho đến vùng nhiệt đới, từ bờ biển cho đến đáy biển. Các loài sinh vật phù du, cá, sứa, rùa biển và chim biển đã trôi dạt khoảng 10 vĩ độ về phía các cực để tìm kiếm điều kiện môi trường thích hợp. Điều đó đồng nghĩa với việc các loài rùa biển và chim biển mất đi nơi sinh sản, còn quá trình sinh sản của các loài chim và động vật biển có vú cũng bị ảnh hưởng.
IUCN cho biết, đại dương đang biến đổi với tốc độ nhanh gấp từ 1,5 đến 5 lần so với đất liền. Những biến đổi này là không thể đảo ngược và tác động mạnh mẽ đến các hệ sinh thái, trong khi hậu quả lại không thể lường trước.
Rất có thể, cho đến năm 2100, nhiệt độ các đại dương sẽ tăng từ 1 – 40 C, đặc biệt là ở bán cầu Nam, khiến bề mặt các khối băng Nam Cực tan chảy nghiêm trọng. Trong khi đó, Bắc Cực cũng không tránh khỏi hiện tượng băng tan. Trong vòng vài thập kỷ tới, Bắc Băng Dương có thể sẽ không còn băng vào mùa hè.
Bên cạnh những tác động đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học, báo cáo đồng thời xem xét các kịch bản nóng lên trong bối cảnh gia tăng nhiệt độ đại dương. Hiện có khoảng 2,5 tỷ tấn metan hydrat đóng băng được lưu giữ ở độ sâu từ 200 – 2000 m dưới đáy biển. Nhiệt độ nước tăng sẽ giải phóng lượng băng cháy này vào biển và sau đó vào bầu khí quyển, làm trầm trọng hơn vấn đề khí hậu trong tương lai.
Nhiệt độ tăng không phải là mối nguy hại duy nhất với các đại dương. Cùng với hiện tượng axit hóa đại dương và khử oxy, “bộ ba chết chóc” được hình thành. Trong khi đó, chỉ cần ít nhất một trong ba quá trình trên đã đóng vai trò quan trọng trong các sự kiện tuyệt chủng từng xảy ra trong quá khứ. Ba quá trình này không chỉ đang diễn ra đồng loạt trong lòng đại dương, mà còn với tốc độ nhanh chưa từng thấy chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.
Rạn san hô lớn tại Cairns, Queensland, Australia. (Ảnh: Rhett Butler)
Tháng 12 năm ngoái, gần 200 quốc gia đã quyết định ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Mới đây, Mỹ và Trung Quốc cũng đã tuyên bố chính thức tham gia. Nhưng những sự kiện này không có nghĩa ảnh hưởng của hiện tượng nóng lên toàn cầu đối với các đại dương sẽ chậm lại. Đại dương sẽ còn tiếp tục chịu tác động trong hàng thập kỷ hoặc hàng thế kỷ, thậm chí cả sau khi chấm dứt hoàn toàn phát thải CO2.
Báo cáo cũng cho thấy hiểu biết của con người về ảnh hưởng của hiện tượng nóng lên toàn cầu đối với các đại dương và hiện tượng đại dương nóng lên còn rất hạn chế. Công ước Khung về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (UNFCCC), mà từ đó Hiệp ước Khí hậu Paris được thông qua, do đó nên làm rõ vai trò của đại dương đối với hiện tượng nóng lên toàn cầu bằng cách gia tăng phân bổ nguồn lực dành cho các hoạt động nghiên cứu đại dương và dự báo ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với đại dương.
Diệu Linh/Theo Mongabay