Tây Ninh đẩy mạnh phát triển nghề nuôi thả thủy sản

BVR&MT – Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, từ đầu năm đến nay, tổng diện tích nuôi thả thủy sản trên địa bàn tỉnh này thực hiện được trên 76 ha, với tổng sản lượng nuôi là 2.815 tấn, tăng 9,9% so cùng kỳ.

Diện tích nuôi thả thủy sản ở Tây Ninh chủ yếu tập trung ở những khu vực có hồ, sông lớn như sông Vàm Cỏ Đông, hồ Dầu Tiếng.

Những năm qua, diện tích nuôi thả thủy sản ở Tây Ninh chủ yếu tập trung ở những khu vực có hồ, sông lớn như sông Vàm Cỏ Đông, hồ Dầu Tiếng… Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, hồ Dầu Tiếng rộng 27.000 ha với dung tích khoảng 1,5 tỷ m3 nước, ngoài việc cung cấp nước tưới cho nông nghiệp thì nguồn lợi thủy sản trong hồ rất lớn. Để tạo điều kiện cho người dân đánh bắt hiệu quả cao hơn, ngoài số lượng cá hiện có trong lòng hồ, theo kế hoạch của tỉnh, hằng năm Tây Ninh trích ngân sách từ 500 đến 700 triệu đồng để thả cá vào hồ Dầu Tiếng, nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản, tăng thêm giá trị đánh bắt cho người dân.

Hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh trước đây chủ yếu phục vụ nước tưới tiêu sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều diện tích đất dọc các tuyến kênh đã chuyển đổi sang mô hình nuôi trồng thủy sản. Cùng với đó, ngành chức năng của Tây Ninh cũng đã thả hàng chục triệu con cá giống các loại xuống hồ Dầu Tiếng, gồm cá mè trắng, trắm cỏ, lăng nha, cá trôi, cá lóc bông, cá thác lác cườm, cá tra dầu, cá lăng vàng, lăng nha..v.v… Theo đánh giá, những loài cá được thả xuống hồ Dầu Tiếng đều phát triển nhanh do gặp môi trường sống tốt, nguồn thức ăn phong phú. Từ sau khi tiến hành thả cá giống xuống hồ Dầu Tiếng, sản lượng thủy sản đánh bắt được hàng năm ở đây đã tăng lên đáng kể. Bình quân khoảng trên 1.000 tấn/năm.

Cùng với việc thả cá giống để tái tạo nguồn thủy sản trong hồ, lực lượng quản lý hồ cũng đã làm tốt công tác ngăn chặn các ngư dân sử dụng các phương tiện đánh bắt hủy diệt, đồng thời có trách nhiệm tổ chức quản lý ngư dân khai thác thủy sản trong hồ, bảo vệ nguồn cá giống tự nhiên, cá bố mẹ sắp sinh sản, bảo vệ các bãi cá đẻ, chấp hành các quy định về cấm đánh bắt cá trong mùa cá đẻ.

Ngoài ra, nghề nuôi thả thủy sản ở Tây Ninh cũng rất phát triển ở những địa phương có sông Vàm Cỏ Đông đi qua, tại đây đã thành lập ra các hợp tác xã nuôi trồng thủy sản. Để sản lượng đánh bắt thủy sản tăng theo từng năm, tỉnh Tây Ninh cũng đã và đang làm tốt công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở các địa phương, qua đó, sản lượng thủy sản đã tăng đáng kể.

Sản lượng cá tra ở Tây Ninh là khá lớn, Tây Ninh phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt từ 25.000 tấn đến 50.000 tấn. Theo ngành chức năng tỉnh Tây Ninh, qua khảo sát hệ thống sông, rạch trên địa bàn tỉnh cho thấy, Tây Ninh có tiềm năng rất lớn để phát triển vùng nguyên liệu cá tra. Chỉ riêng nuôi cá tra bè, cá tra ao ở các vùng trũng ven sông Vàm Cỏ Đông, thì nguồn nguyên liệu có thể cung ứng cho khoảng 6 nhà máy có tổng công suất thiết kế 500 tấn cá nguyên liệu/ngày. Bên cạnh đó, khi nghề nuôi cá tra phát triển sẽ kéo theo nhiều dịch vụ liên kết phục vụ hoạt động nuôi, chăm sóc cá, tạo nhiều việc làm cho lao động ở địa phương.

Để nâng cao năng suất và sản lượng nuôi thả thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh đã trình Ủy ban nhân dân tỉnh kế hoạch thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020; hoàn thành thả cá giống vào hồ Dầu Tiếng; đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra tình hình ô nhiễm nguồn nước hồ Dầu Tiếng ở những xã thuộc huyện Tân Châu. Đồng thời phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trảng Bàng, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II nhằm kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa tình trạng cá lóc nuôi bè bị lở loét ở những hộ trong tỉnh, phối hợp với các ngành có liên quan điều tra, thống kê tình hình các trại nuôi trồng thủy sản, hiện trạng số lượng tàu thuyền tham gia đánh bắt thủy sản trong hồ Dầu Tiếng.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cũng đã xây dựng, khuyến khích đầu tư các dự án nuôi thả thủy sản, đảm bảo các điều kiện trong nuôi trồng thủy sản thâm canh, an toàn dịch bệnh; rà soát quy hoạch và nâng cao năng lực các cơ sở giống chất lượng, sạch bệnh, cung cấp đủ cho sản xuất; không ngừng kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở chế biến thủy sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cũng đã xây dựng, khuyến khích đầu tư các dự án nuôi thả thủy sản, đảm bảo các điều kiện trong nuôi trồng thủy sản thâm canh, an toàn dịch bệnh, rà soát quy hoạch và nâng cao năng lực các cơ sở giống chất lượng, sạch bệnh, cung cấp đủ cho sản xuất; không ngừng kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở chế biến thủy sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thời gian qua, tình hình nuôi trồng thủy sản ở Tây Ninh đang có chiều hướng phát triển với các loại hình thủy sản có giá trị cao, như cá lăng nha, ba ba, cá lóc, cá chình, cá bống tượng.v.v… Ngoài ra, phong trào nuôi cá sấu cũng đang phát triển tập trung ở các huyện như Dương Minh Châu, Trảng Bàng. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Tây Ninh cũng đã mở nhiều lớp tập huấn, nhiều điểm trình diễn kỹ thuật, nhiều buổi hội thảo chuyên đề, đồng thời ký kết với Trung tâm Khuyến ngư Quốc gia thực hiện nhiều mô hình như nuôi cá rô đồng, nuôi tôm càng xanh và nuôi cá rô phi đơn tính. Từ đó, ngành nuôi trồng thủy sản ở Tây Ninh phát triển khá mạnh. Người dân đã tận dụng những ao, hồ, các vùng đất trũng cải tạo lại để nuôi trồng thủy sản bằng nhiều hình thức như thâm canh, bán thâm canh, nuôi kết hợp để tận dụng nguồn thức ăn sẵn có.