BVR&MT – Vừa qua, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Nghị quyết về phát triển doanh nghiệp (DN) giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 1,5 triệu DN, trong đó có từ 15 đến 20 DN tư nhân vốn hóa đạt hơn một tỷ USD. Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, với sự quyết tâm cao, tạo điều kiện thuận lợi của Chính phủ, cùng nỗ lực của cộng đồng DN thì mục tiêu này vẫn có thể đạt được khi chúng ta có một môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định.
Cần những chính sách ổn định
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2016 – 2019, tốc độ tăng số lượng DN Việt Nam đạt 10,5%, bình quân mỗi năm có thêm hơn 100 nghìn DN mới được thành lập, cao gấp hai lần giai đoạn 2011 – 2015. Như vậy, tính đến cuối năm 2020, cả nước đã có khoảng 810 nghìn DN đang hoạt động. Dù mục tiêu đến năm 2020, cả nước có một triệu DN hoạt động được Chính phủ đề ra trong Nghị quyết 35/NQ-CP vẫn chưa đạt được, nhưng với việc triển khai hàng loạt giải pháp hỗ trợ DN thời gian qua đã tạo lập một môi trường kinh doanh (MTKD) thuận lợi cho các DN phát triển, mang đến một làn sóng khởi nghiệp và thúc đẩy đổi mới sáng tạo mạnh mẽ chưa từng có. Đặc biệt, việc Chính phủ luôn kiên trì đổi mới, sáng tạo, kiên quyết loại bỏ những rào cản đối với hoạt động của DN là yếu tố tích cực nhất. Vì vậy, đến nay nước ta đã có hơn 10 DN quy mô về vốn đạt hơn một tỷ USD như Vingroup, Vietcombank, Vinamilk,… Các DN đang dần khẳng định vị thế trong một số lĩnh vực quan trọng, tham gia nhiều hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhìn lại những năm qua có thể thấy, để cộng đồng DN phát triển lớn mạnh như hiện nay, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã đổi mới thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các rào cản, tạo sự công bằng giữa các thành phần kinh tế. Nhờ đó, nhiều DN đã bứt phá mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Do đó, để đạt mục tiêu có 1,5 triệu DN vào năm 2025, theo nhận định của đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tốc độ tăng trưởng số lượng DN trong 5 năm tới phải đạt từ 12 đến 14%/năm, trung bình mỗi năm phải có thêm từ 100 đến 150 nghìn DN thành lập mới. Muốn đạt được mục tiêu nêu trên, các cơ quan quản lý cần tiếp tục có những chính sách mang tính ổn định, hỗ trợ về thuế, phí, thủ tục hành chính thuận lợi hơn.
Còn nhiều dư địa để phát triển
Theo tính toán, hiện nay ở nước ta có khoảng 5,4 triệu hộ kinh doanh (HKD), nếu đạt được sự đồng thuận trong chuyển đổi phần lớn lực lượng này thành DN thì sẽ sớm đạt được mục tiêu 1,5 triệu DN vào năm 2025. Tuy nhiên, theo một khảo sát của VCCI, nhiều HKD cho rằng, khi chuyển đổi lên thành DN sẽ tốn rất nhiều chi phí tuân thủ, nhiều thủ tục đăng ký rườm rà, nặng nề hơn về cách quản lý, phải thuê kế toán, phải ký hợp đồng với lao động, nộp thuế đầy đủ,… Trong khi thực tế, quy định về quản lý HKD rất lỏng lẻo, còn quản lý DN lại quá chặt chẽ, kể cả DN siêu nhỏ, dẫn tới chi phí tuân thủ quy định của DN quá lớn.
Để hiện thực hóa mục tiêu 1,5 triệu DN vào năm 2025, các bộ, ngành chức năng cần tiếp tục thực hiện hiệu quả những chính sách khuyến khích HKD gia nhập cộng đồng DN thông qua việc tạo cơ chế thông thoáng, bình đẳng, giúp lực lượng này mạnh dạn, tự tin chuyển đổi và đóng góp chung cho nền kinh tế. Theo đó, cần nghiên cứu cách quản lý các HKD muốn chuyển đổi lên DN như một loại hình DN tối giản. Cơ chế quản lý cần hết sức thông thoáng, để cho DN tự khai báo theo chế độ kế toán đơn giản, ghi chép đơn giản, thực hiện chế độ khoán thuế với những DN siêu nhỏ. Đồng thời, nên đề xuất không áp dụng chế độ thanh tra, kiểm tra thường xuyên đối với những DN có quy mô quá nhỏ, trừ khi xảy ra vấn đề gây ảnh hưởng xã hội. Tuy nhiên, chất lượng của những DN được chuyển đổi lên từ HKD thật sự vẫn là một vấn đề cần quan tâm và khắc phục khi phần lớn các đối tượng này đều có quy mô nhỏ và rất nhỏ; trình độ quản trị, năng lực kinh doanh và năng suất lao động không cao. Do đó, nhiệm vụ nâng cấp chất lượng DN phải trở thành ưu tiên hàng đầu trong chiến lược đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam, đồng thời với việc phát triển số lượng DN.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục dồn lực cho công cuộc cải cách thể chế, cải thiện MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để tạo được bệ đỡ và chắp cánh cho DN phát triển thuận lợi. Điển hình là việc loại bỏ rào cản thủ tục hành chính, tiếp tục cắt giảm chi phí cho DN, nhất là các chi phí không chính thức lâu nay luôn “đè” nặng lên vai của DN. Tiếp tục xây dựng các hành lang pháp lý bảo vệ DN, coi DN là đối tượng được phục vụ để lắng nghe và chia sẻ, giải quyết các khó khăn phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Các DN phải đầu tư nhiều hơn nữa cho công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sử dụng hiệu quả nguồn vốn, kiên trì tạo dựng uy tín và thương hiệu. Chỉ khi cả hệ thống chính trị và cộng đồng DN cùng đồng lòng quyết tâm thì khi đó sức mạnh nền kinh tế sẽ được bồi đắp, giúp nâng tầm quốc gia, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh.