Tăng cường ứng phó với mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung

BVR&MT – Ngày 30/8, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ban hành văn bản số 440 về việc ứng phó với mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (từ Hà Tĩnh trở ra).

Mưa lớn khiến suối Pàn chảy qua thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn dâng cao gây ngập lụt hàng chục nhà dân.

Những ngày qua, do ảnh hưởng của rãnh thấp, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to (lượng mưa phổ biến từ 100-200mm/đợt, có nơi từ 200-300mm/đợt) từ 31/8 – 2/9 khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ lớn. Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét ở vùng núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Để chủ động ứng phó với diễn biến thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt là thiệt hại về người, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh nói trên khẩn trương triển khai thực hiện một số nội dung.

Khu vực miền núi cần tập trung lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ giúp dân khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất, ổn định đời sống ở các khu vực bị thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất những ngày vừa qua.

Các địa phương chỉ đạo UBND, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp xã huy động lực lượng xung kích cùng với lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt triển khai kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao, các hộ dân sống ven sông, suối, kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường, các sự cố, báo cáo chính quyền và thông tin đến người dân để chủ động phòng tránh.

Các địa phương sẵn sàng phương án ứng phó đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân khi có tình huống xảy ra, đặc biệt lưu ý những khu vực dân cư đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất thời gian vừa qua.

Địa phương cần phối hợp với lực lượng quân đội trên địa bàn triển khai lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra; rà soát các khu vực có nguy cơ bị chia cắt, sử dụng hệ thống Flycam để khảo sát, đánh giá và đề xuất giải pháp khắc phục các tuyến đường bị chia cắt, khó tiếp cận do mưa lũ, sạt lở đất.

Khu vực đồng bằng cần kiểm tra, rà soát các khu vực trũng thấp, khu dân cư tập trung có nguy cơ ngập lụt và các địa phương thường xuyên bị lũ chia cắt; chủ động vận hành các cống, trạm bơm để kịp thời tiêu nước, triển khai phương án sơ tán dân, đảm bảo an toàn về người và tài sản. Các lực lượng chức năng chủ động tiêu thoát nước đệm để đảm bảo an toàn chống úng cho các diện tích lúa và hoa màu.

Các địa phương cần tổ chức lực lượng canh gác, hướng dẫn người dân, phương tiện qua lại các ngầm, tràn, sông suối, khu vực đường giao thông bị ngập, bến đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn.

Các lực lượng chức năng cần canh gác, hướng dẫn người dân và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, sông suối, khu vực đường giao thông bị ngập, bên đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn; kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, hạ du hồ chứa, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp.

Các địa phương cần chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị xử lý trọng điểm xung yếu về đê điều, hồ đập; khẩn trương triển khai hoàn thành hoặc có phương án đảm bảo an toàn cho các công trình đang thi công, các công trình đã xảy ra sự cố do mưa lũ trong thời gian vừa qua.

Lãnh đạo các địa phương cần chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến mưa, lũ quét, sạt lở đất; tăng cường thời lượng phát sóng, truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động phóng tránh.

Các lực lượng chức năng cần chú trọng việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức đến người dân để nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó.

Thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 19 ngày 13/7/2018 về công tác phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.

Hoàng Tôn