Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp

BVR&MT – Chiều ngày 20/12, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã tổ chức Hội nghị “Tổng kết công tác chỉ đạo, điều hành năm 2017 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2018”.

Toàn cảnh Hội nghị.

Thông tin tại Hội nghị cho biết, năm 2017, ngành Thủy lợi đạt được nhiều kết quả toàn diện về đảm bảo sản xuất nông nghiệp và giảm thiểu những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Ngành đã hoàn thành tốt việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật góp phần quan trọng để Quốc hội thông qua Luật Thủy lợi vừa qua.

Bên cạnh đó, công tác vận hành hợp lý các công trình thủy lợi đảm bảo sản xuất, an toàn công trình và đời sống dân sinh trước tác động thiên tai cực đoan cũng là kết quả nổi bật của ngành trong năm 2017. Trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 12, các hồ chứa thủy lợi lớn ở khu vực Trung bộ đã cắt giảm được tổng lượng lũ là 631 triệu m3 trong tổng số 1,27 tỷ m3 về hồ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thủy lợi vẫn còn tồn tại một số khó khăn. Trong đó, còn thiếu cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp, người dân tham gia đầu tư sử dụng nước tiết kiệm trong sản xuất dẫn đến việc mở rộng diện tích tưới nước tiên tiến, tiết kiệm nước, ứng dụng công nghệ cao còn nhiều hạn chế.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, trên cơ sở sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Thủy lợi, ngành thủy lợi cần xác định rõ những thách thức và cơ hội trong giai đoạn mới. Qua đó thay đổi cách tiếp cận sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước để đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới và thích ứng biến đổi khí hậu. Biến những bất lợi do nước biển dâng thành cơ hội để phát triển về thủy sản, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ để mở rộng các diện tích tưới tiết kiệm, trong đó chú trọng phát triển rau, củ quả đáp ứng nhu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Trong đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, ngành Thủy lợi cần thay đổi cách tiếp cận. Đặc biệt, hướng đầu tư, quản trị, sử dụng nguồn tài nguyên cần phù hợp và hiệu quả nhất, đồng thời tổ chức sản xuất cần theo tín hiệu của thị trường.