BVR&MT – Chiều 7/4/2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tháp Mười tổ chức hội nghị sơ kết 01 năm triển thực hiện thí điểm mô hình thi đua phấn đấu trở thành “Người Nông dân chuyên nghiệp” do Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam Tỉnh phát động.
Tham dự hội nghị có ông Võ Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam Tỉnh, các vị Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam Tỉnh; ông Nguyễn Hữu Thời, Phó Ban Dân vận Tỉnh ủy; ông Nguyễn Văn Vũ Minh, TUV/ Bí thư Huyện ủy Tháp Mười; Chủ tịch và Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam các huyện, thành phố; cùng Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội Huyện và MTTQ các xã, thị trấn của huyện.
Huyện Tháp Mười triển khai thí điểm mô hình thi đua phấn đấu trở thành “Người Nông dân chuyên nghiệp” được phát động rộng rãi hầu hết các xã trên địa bàn huyện; triển khai thực hiện thí điểm trên 02 lĩnh vực cây lúa và cây mít ở 04 xã (Đốc Binh Kiều, Thạnh Lợi, Phú Điền và Mỹ Đông), với 113 hộ tham gia. Qua hơn một năm triển khai thực hiện mô hình, luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện và cấp ủy, chính quyền địa phương; sự chủ động, phối hợp tăng cường tuyên truyền, vận động thực hiện giữa Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội; sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đã tích cực tham gia mô hình; các hộ nông dân đăng ký tham gia mô hình đều thực hiện tốt các tiêu chí của 2 nhóm nội dung thuộc lĩnh vực xã hội và lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Bước đầu đem lại những kết quả đáng ghi nhận.
Nhóm xã hội có 92/113 hộ, đạt 81,41% (tăng 17 hộ) có tất cả thành viên gia đình trong độ tuổi đã tham gia vào một trong các tổ chức chính trị – xã hội hoặc tổ chức nhân dân nơi cư trú hoặc nơi học tập, làm việc; hầu hết hộ tham gia mô hình đều tự nguyện tham gia các hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất như Hợp tác xã, Hội quán, Tổ hợp tác..; có tinh thần không ngừng học tập kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật tiến bộ; nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật.
Nhóm sản xuất, kinh doanh có 89/113 hộ, đạt 78,76% (tăng 14 hộ) tham gia mô hình tuân thủ các quy định về sản xuất an toàn, những quy định bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng; chấp hành nghiêm quy định về bảo vệ môi trường và bảo đảm an toàn lao động; thực hiện tốt Luật Hợp tác xã và các nội quy, quy chế, quy định của Hội quán, Tổ liên kết, Tổ hợp tác sản xuất; bảo đảm hài hòa trong quan hệ hỗ trợ cùng cộng đồng, sẳn sàng chia sẻ kinh nghiệm cùng tham gia các chương trình liên kết trong sản xuất, kinh doanh, ứng dụng các quy chuẩn an toàn như VietGAP, GlobalGAP, ISO…
Qua kết quả bình xét cuối năm 2021 của các xã, trong 113 hộ tham gia thực hiện mô hình, có 77 hộ (tăng 15 hộ), đạt 9/9 tiêu chí, chiếm 87,01%. Thông qua mô hình đã góp phần giúp nông dân chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp, nâng cao chất lượng nông sản, tăng thu nhập, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện.
Hướng tới, Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Tháp Mười đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động tới mọi đối tượng, thành viên Hợp tác xã, Hội quán, Tổ nhân tự quản và Nhân dân trên địa bàn xã để tham gia thực hiện mô hình nhân rộng tiếp theo; phát huy vai trò từng thành viên trong Ban vận động huyện, các xã theo ngành, lĩnh vực phụ trách từng tiêu chí để hướng dẫn người dân thực hiện và hoàn thành các tiêu chí “Người nông dân chuyên nghiệp”; thường xuyên tổ chức tập huấn cho nông dân tiếp thu và mạnh dạn ứng dụng thành tựu khoa học -kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp và quy hoạch của huyện, chú trọng sản xuất nông sản sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, dần dần hình thành sản phẩm chủ lực của địa phương. Giải pháp căn cơ là phải tập trung tuyên truyền làm cho nông dân chuyển biến tích cực trong nhận thức về một nền nông nghiệp hiện đại, xóa bỏ thói quen sản xuất truyền thống, manh mún, nhỏ lẻ, kém hiệu quả, rủi ro cao.
Thắng Trân