Sau vụ lợn bị tiêm thuốc an thần, giá lợn liên tục lao dốc

BVR&MT – Những ngày qua, người chăn nuôi lợn tại Đồng Nai lại tiếp tục rơi vào tình trạng khủng hoảng, giá lợn hơi liên tục lao dốc.

Người dân mua thịt lợn tại cửa hàng bình ổn giá, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: TTXVN

Nguyên nhân được cho là do ảnh hưởng sau vụ gần 4.000 con lợn bị tiêm thuốc an thần tại lò mổ Xuyên Á (Thành phố Hồ Chí Minh) khiến người chăn nuôi bị mang tiếng oan, người tiêu dùng cảnh giác, quay đầu với thịt lợn. Đây là lần thứ hai trong năm, giá lợn hơi tại thủ phủ chăn nuôi lợn ở Đồng Nai giảm sâu đạt mức kỷ lục.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá lợn hơi loại đẹp hiện đang được thương lái thu mua với giá dao động từ 27.000 – 28.000 đồng/kg, còn lợn loại xấu (lợn mỡ) chỉ từ 23.000 – 25.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi lỗ gần một triệu đồng/con lợn.

Giá lợn lại một lần nữa bị đẩy xuống thấp, nhưng nhiều hộ chăn nuôi vẫn không thể bán được lợn, dù đã liên hệ nhiều thương lái; lợn đến tuổi xuất chuồng bị tồn lại trong trại với số lượng lớn.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, hộ nuôi lợn tại xã Quang Trung, huyện Thống Nhất, Đồng Nai, gần một tuần nay, giá lợn liên tục giảm sâu.

Cách khoảng 10 ngày, giá lợn vẫn ở mức 32.000 đồng/kg, tuy nhiên hiện tại, giá lợn hơi đã bị đẩy xuống mức 23.000 đồng/kg tùy loại. Trung bình mỗi ngày, một con lợn chuẩn bị xuất chuồng ăn hết 3 kg cám, chi phí khoảng 27.000 đồng cho mỗi con, càng để lâu, người nuôi càng lỗ nặng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm, từ sau thông tin hàng nghìn con lợn bị tiêm thuốc an thần, nhiều thương lái đã dè dặt hơn trong việc chọn và bắt lợn, chỉ bắt với số lượng cầm chừng. Nhiều người còn nghi ngờ số lợn bị tiêm thuốc đó là từ Đồng Nai đưa lên, nhiều thương lái không bắt lợn của Đồng Nai nữa dẫn đến lợn tồn trong các trại với số lượng lớn.

Theo bà Vũ Thị Chiên (xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, Đồng Nai), từ khi Thành phố Hồ Chí Minh “siết” quy định lợn được đeo vòng mới cho vào thị trường thành phố, nhiều thương lái chỉ chọn những doanh nghiệp chăn nuôi lớn, thực hiện đeo vòng truy suất nguồn gốc cho lợn để mua, còn những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, số lượng ít, chưa có điều kiện đeo vòng cho lợn (do những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gặp khó trong việc mua vòng truy suất) không bán được lợn, hoặc bị thương lái ép giá.

“Lợn đã đến tuổi xuất chuồng, tuy nhiên chúng tôi gọi mãi nhưng thương lái họ cũng không đến bắt, nếu có đến thì họ cũng chỉ chọn ít một, những con đẹp mã chứ không gom một lượt như thông thường”, bà Vũ Thị Chiên cho hay.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, từ sau cuộc giải cứu lợn hồi tháng 5/2017 vừa qua, giá lợn có nhích lên, nhưng vẫn ở mức thấp khiến người chăn nuôi thua lỗ kéo dài. Đặc biệt, thời gian gần đây, sau vụ phát hiện gần 4.000 con lợn bị tiêm thuốc an thần ở lò mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh) khiến người chăn nuôi bị ảnh hưởng không ít, người tiêu dùng e dè hơn khi sử dụng những sản phẩm từ thịt lợn. Điều này góp phần làm cho giá lợn giảm sâu (4 – 5 giá) khiến người nuôi càng lao đao.

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nhìn nhận, con lợn trong giai đoạn này đang bị khủng hoảng rất nghiêm trọng do đầu ra khó khăn, giá liên tục lao dốc, người chăn nuôi thua lỗ, do vậy phải sớm có giải pháp để giải quyết vấn đề này. Nếu cơ quan chức năng không có giải pháp quyết liệt và hiệu quả hơn, thì sẽ có thêm một lượng lớn trang trại không thể vượt qua “cú sốc giá” lần này.

Theo Sở Công Thương Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có hơn 1,7 triệu con lợn. Trong đó, lợn có trọng lượng từ 60 kg trở lên chiếm gần 450.000 con. Riêng số lợn xuất đi Thành phố Hồ Chí Minh là hơn 14.300 con, chiếm 32% tổng số lợn xuất đi của cả tỉnh. Nguyên nhân lượng heo xuất tỉnh vẫn tăng là do xuất đi các tỉnh miền Tây, Bình Dương, Tây Ninh tăng.