Sạt lở sông: An Giang đề nghị hỗ trợ di dời 20.000 hộ dân

BVR&MT – Tỉnh An Giang đề nghị Bộ TN&MT hỗ trợ nâng cao năng lực và xây dựng hệ thống thiết bị quan trắc, cảnh báo, giám sát sạt lở,… đề xuất Trung ương có chính sách về nhà ở để hỗ trợ di dời cho khoảng 20.000 hộ dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở bờ sông trong 5 năm tới.

Trên địa bàn có tới 51 đoạn bờ sông nguy hiểm sạt lở, song An Giang vẫn chưa có giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng sạt lở một cách lâu dài.

Chưa có giải pháp căn cơ

Chiều ngày 25/4, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Đoàn công tác Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có buổi làm việc với Lãnh đạo tỉnh An Giang về công tác quản lý nhà nước về TN&MT và tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh An Giang.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Đặng Đức, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh An Giang cho biết, tình trạng lở bờ sông trên địa bàn An Giang thời gian qua diễn ra khá nhanh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân và sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Ông Đức cho biết, mỗi năm xảy ra khoảng 20 vụ sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh An Giang, gây thiệt hại khoảng 100 tỷ. Hiện có tổng số khoảng 51 đoạn bờ sông đã có cảnh báo nguy hiểm sạt lở, chiếm 40% diện tích giáp sông Tiền, sông Hậu của tỉnh An Giang với trên 20.000 hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở.

Theo ông có nhiều nguyên nhân gây ra sat lở như biến đổi khí hậu, thay đổi dòng chảy, thời tiết bất thường, quá tải về xây dựng hạ tầng, giao thông và cũng không loại trừ nguyên nhân từ việc khai thác cát trái phép…

Mặc dù địa phương đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục như quan trắc để có dự báo, cảnh báo kịp thời trước khi có sạt lở xảy ra, cắm mốc cảnh báo, giám sát chặt chẽ việc nạo vét các luồng lạch, hạn chế đầu tư xây dựng các công trình trong khu vực có nguy cơ sạt lở, bố trí kinh phí đầu tư xây dựng công trình kè chống sạt lở…Tuy nhiên, đến nay tỉnh vẫn chưa có giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng sạt lở một cách lâu dài, bền vững.

Diễn biến hết sức phức tạp

Đối với khu vực sạt lở Tổ 12, ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới trên tuyến lộ liên xã thuộc khu vực bờ sông Vàm Nao lúc 15h ngày 23/4 ngoài 16 căn nhà bị rơi xuống sông, khu vực sạt lở tiếp tục mở rộng lấn sâu và đất liền làm sạt lở mất đường giao thông liên xã, 90 căn nhà có nguy cơ tiếp tục bị nhấn chìm, thiệt hại ban đầu ước tính hơn 9 tỷ đồng.

Về nguyên nhân sạt lở khu vực này, ông Trần Đặng Đức cho biết: Hằng năm, Sở TN&MT tỉnh An Giang đều đã có cảnh báo khả năng tiềm ẩn gây sạt lở rất cao và nguy hiểm.

Nguyên nhân chính do đây là khu vực hợp lưu giữa sông Vàm Nao và sông Hậu đã tạo nên các dòng chảy xoáy bất thường tác động lên đường bờ tạo mái dốc thẳng đứng, trên bờ sông lại có quá nhiều công trình xây dựng kiên cố như trường học, khu hành chính, khu dân cư, các cơ sở sản xuất kinh doanh… do đó có nhiều yếu tố tải trọng tác động lên đường bờ, kết hợp với nền đất mất ổn định (do đã xảy ra sạt lở) nên diễn biến sạt lở trong thời gian tới sẽ hết sức phức tạp khả năng gây trượt lở tiếp là rất cao.

Bí thư Võ Thị Ánh Xuân đề nghị hỗ trợ chính sách để địa phương di dời khoảng 20.000 hộ dân trong 5 năm tới. Ảnh Bộ TN&MT

Di dời khoảng 20.000 hộ dân

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân cho biết: Tác động của quá trình BĐKH và ảnh hưởng của các đập thủy điện trên sông Mê Kông ngày càng rõ và nghiêm trọng. Vì vậy tỉnh An Giang kiến nghị Bộ TN&MT quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học hỗ trợ các tỉnh ĐBSCL và tỉnh An Giang khảo sát, đánh giá, nghiên cứu sâu, tổng thể về chế độ dòng chảy, quy luật thủy văn, các nguyên nhân gây sạt lở… cho toàn lưu vực ĐBSCL trong đó có tỉnh An Giang.

Bộ TN&MT xem xét hỗ trợ cho tỉnh An Giang nâng cao năng lực và xây dựng hệ thống thiết bị quan trắc, cảnh báo, giám sát sạt lở để chủ động ứng phó trong thời gian tới.

Tỉnh kiến nghị Bộ TN&MT đề xuất Chính phủ có chính sách về nhà ở để hỗ trợ di dời cho khoảng 20.000 hộ dân tỉnh An Giang bị ảnh hưởng bởi sạt lở bờ sông trong 5 năm tới.

Trước mắt kiến nghị Chính phủ xem xét, hỗ trợ kinh phí xử lý ngay các vấn đề khó khăn tại các khu vực đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng thời gian qua.

Đồng thời, tỉnh An Giang cũng kiến nghị Bộ TN&MT và Chính phủ quan tâm đến việc triển khai các dự án kè chống sạt lở sông Hậu, bảo vệ các khu vực đô thị, đông dân cư…

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh An Giang. Ảnh Bộ TN&MT

Điều tra, quan trắc tổng thể

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các đại biểu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết việc ứng phó với sạt lở bờ sông là một nhiệm vụ hết sức cụ thể, cấp bách của tỉnh An Giang và các Bộ, ngành hữu quan. Bộ trưởng đánh giá cao sự chỉ đạo, xử lý khẩn trương, kịp thời, hiệu quả, mang tính khoa học của các cấp chính quyền tỉnh An Giang trong vụ sạt lở khiến 16 căn nhà trôi sông tại huyện Chợ Mới ngày 23/4. Tỉnh An Giang đã hạn chế được thấp nhất thiệt hại xảy ra, đặc biệt là không ảnh hưởng đến tính mạng của người dân nào; đồng thời hỗ trợ, chăm lo một cách thiết thực, cụ thể cho các hộ gia đình bị thiệt hại…

Về cụ thể, Bộ trưởng chỉ đạo các cơ quan trực thuộc Bộ TN&MT phối hợp, hỗ tợ kịp thời về nhân lực, trang thiết bị cho Sở TN&MT tỉnh An Giang để triển khai ngay việc quan trắc, điều tra, khảo sát một cách tổng thể các khu vực có nguy cơ sạt lở cao và nguy hiểm mang tính cấp bách trên địa bàn tỉnh An Giang.

Về lâu dài, Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ TN&MT phải giúp cho tỉnh An Giang tiến hành khảo sát, điều tra, đánh giá một cách tổng thể, bài bản, khoa học tất cả các nguyên nhân sạt lở trên địa bàn An Giang và toàn bộ lưu vực sông Tiền, sông Hậu. Từ đó xác định rõ từng vị trí cụ thể những khu vực xung yếu cần khoanh vùng bảo vệ.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nhất trí với các ý kiến về việc cần phải tiến hành tổng kiểm tra, rà soát lại toàn bộ công tác quy hoạch mang tính đặc thù của An Giang là vùng thượng nguồn – nơi bảo đảm cung cấp nguồn nước ngọt cho toàn vùng ĐBSCL; đặc biệt là phải sớm nghiên cứu, xem xét điều chỉnh lại quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch sử dụng tài nguyên nước, quy hoạch khai thác sử dụng khoáng sản để ứng phó với BĐKH và sạt lở; đồng thời quy hoạch bố trí các khu tái định cư cho người dân mang tính bền vững, lâu dài.