Sạt lở bờ sông Krông Nô đe dọa ‘nuốt chửng’ nhà dân

BVR&MT – Theo phản ánh của các hộ dân thuộc tổ tự quản số 3 (buôn Plao Siêng, xã Ea R’bin, huyện Lắk, Đắk Lắk), tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô đoạn chảy qua địa phận buôn Plao Siêng, xã Ea R’bin diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Nhiều ngôi nhà của các hộ dân có nguy cơ đổ sập xuống sông Krông Nô.

Ông Trương Văn Tỏ, tổ trưởng tổ tự quản số 3, buôn Plao Siêng cho biết: Hiện, khu vực tổ tự quản số 3, buôn Plao Siêng có 41 hộ dân sinh sống, trong đó có 9 hộ có nhà ở dọc bờ sông Krông Nô đang có nguy cơ sạt lở cao, nhiều ngôi nhà đã sát mép bờ sông và có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào.

Từ năm 2009 đến nay, gia đình ông Hoàng Văn Hiệu ở tổ tự quản số 3, buôn Plao Siêng phải di dời và dựng lại nhà tới 3 lần, vì cứ dựng nhà lên một thời gian, ngôi nhà lại bị cuốn theo dòng nước.

Theo ghi nhận của phóng viên tại khu vực tổ tự quản số 3, buôn Plao Siêng: Tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô vẫn tiếp tục xảy ra nhanh chóng, trên bờ sông hình thành nhiều đường nứt mới, kéo dài theo dọc bờ sông, có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào. Nhiều hộ đang nằm trong khu vực nguy hiểm cần phải di dời gấp.

Điều đáng nói, tình trạng sạt lở bờ sông đã xảy ra trong nhiều năm nay, có những hộ phải di dời nhà 2 – 3 lần, nhiều diện tích đất sản xuất của người dân cũng bị nước cuốn trôi, không chỉ ảnh hưởng đến đời sống sản xuất, sinh hoạt mà còn gây mất an toàn về tính mạng và tài sản. Các cơ quan chức năng đã nhiều lần thực hiện việc cắm mốc an toàn, quy định khoảng cách an toàn từ bờ sông vào khu vực di dời mới, nhưng chỉ một thời gian sau, mốc an toàn cũng bị trôi theo dòng nước do bờ sông bị sạt lở.

Tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô đoạn chảy qua buôn Plao Siêng, xã Ea R’bin, ông Nguyễn Xuân Hoản, Phó Chủ tịch UBND huyện Lắk cho biết: Đây là vùng đất pha cát nên kể từ khi Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah (thuộc Công ty thủy điện Buôn Kuốp) vận hành (từ năm 2009) dẫn đến mực nước trên sông chênh lệnh rất lớn, ít nhiều làm sạt lở bờ sông. Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp khai thác cát gần khu vực này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sạt lở.

Trước tình trạng sạt lở, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của các hộ dân thuộc tổ tự quản số 3, buôn Plao Siêng, chính quyền địa phương đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ di dời 9 hộ dân có nguy cơ bị sạt lở cao vào khu vực an toàn.

Ông Đặng Tấn Phúc, phó Phòng kỹ thuật, Công ty thủy điện Buôn Kuốp thừa nhận việc vận hành Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah ít nhiều làm cho bờ sông Krông Nô bị sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống của các hộ dân thuộc tổ tự quản số 3, buôn Plao Siêng. Theo ông Phúc, công ty đã tiến hành khảo sát, cắm lại mốc an toàn và đồng ý với chính quyền địa phương đưa ra giải pháp hỗ trợ 9 hộ dân nằm trong khu vực sạt lở cao như: Ứng trước tiền hỗ trợ đền bù để di dời khẩn cấp người dân đến nơi an toàn, đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân.

Ông Phúc cũng cho biết, hiện, phía công ty đã tiến hành điều chỉnh việc vận hành Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng chênh lệch mực nước trên sông Krông Nô, giảm thiểu tối đa tác động của việc vận hành Nhà máy thủy điện đến bờ sông Krông Nô.

Nhiều diện tích đất sản xuất của người dân đã bị nước cuốn trôi.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, các hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm vẫn chưa di dời vào nơi an toàn do chưa nhận được tiền hỗ trợ đền bù từ Công ty thủy điện Buôn Kuốp. Chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan cần nhanh chóng hoàn thành thủ tục tạm ứng tiền đền bù hỗ trợ và khẩn trương chỉ đạo di dời các hộ dân vào khu vực an toàn

Về lâu dài, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cũng cần có phương án khắc phục sạt lở bờ sông, tránh tình trạng người dân vừa dựng nhà mới lại bị nước cuốn trôi.