Rừng Việt Nam trên đà phục hồi nhưng nạn phá rừng vẫn tiếp diễn

Khi thế giới đang bước sang kỉ nguyên mới với lượng C02 trong không khí đạt tới ngưỡng đáng lo ngại – 400 ppm, thì việc lưu trữ carbon và phục hồi rừng đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Tại Đông Nam Á, Việt Nam đã phần nào thành công trong việc phục hồi lại những cánh rừng bị tàn phá cùng môi trường sống tự nhiên trong suốt 15 năm qua.
Đã gần 50 năm kể từ khi Hoa Kỳ rải hơn 5 triệu galon thuốc diệt cỏ, gồm cả chất độc màu da cam lên hơn 600.000 hecta rừng phía Nam Việt Nam. Ước tính, 14-44% độ che phủ của rừng đã bị ảnh hưởng, nghiêm trọng nhất là đối với những cánh rừng ngập mặn ven biển.
Tại những khu rừng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, những cánh đồng cỏ đã nhanh chóng mọc lên thay thế. Những khu vực này được các nhà nghiên cứu từ Đại học Huế và Đại học Queenland (Australia) kết luận sẽ không có khả năng phục hồi trong thời gian ngắn nếu không có sự can thiệp của con người. Thậm chí, sự phục hồi tại những khu vực nằm ngoài vùng tàn phá của chiến tranh cũng gặp nhiều trở ngại. Theo cuốn “Deforestation in Vietnam” (Tình trạng phá rừng tại Việt Nam) của nhà Địa lý học Rodolphe De Koninck (xuất bản năm 1999), độ che phủ rừng đã suy giảm nhanh chóng trong suốt nửa sau của thế kỉ 20, từ 43% vào đầu những năm 1940 đến 17% vào cuối những năm 1970.Tình trạng cây rụng lá đã dọn đường cho các hoạt động gây suy thoái rừng vì Việt Nam cần khôi phục kinh tế sau chiến tranh bằng cách khai thác gỗ, chặt-phát-đốt rừng vì mục đích nông nghiệp. Đến năm 1999, các nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt nam ước tính độ che phủ rừng vẫn còn ở mức 30%, trong khi các nhà phân tích nước ngoài cho rằng độ che phủ của rừng tại Việt Nam chỉ còn dưới 10%.
Những động lực mới
Mặc dù còn lạc quan với những con số, tương lai của những cánh rừng tại Việt Nam vào giữa những năm 1980 là vô cùng ảm đạm, và chính phủ đã bắt đầu chú ý đến điều đó.
Năm 1986, cả nước bắt đầu bước vào thời kỳ Đổi mới, chuyển hướng tới một nền kinh tế thị trường. Từ đây, việc quản lý rừng cũng được chuyển từ kiểm soát hoàn toàn bởi chính phủ sang các hình thức tiếp cận nhiều thành phần bao gồm cả các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng địa phương và ban quản lý.
Khi đó, rừng Việt Nam được chia thành 3 loại: Rừng đặc dụng (bao gồm các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên và Khu di tích lịch sử), Rừng phòng hộ (rừng tại các lưu vực sông, rừng ngập mặn ven biển) và Rừng sản xuất (rừng phục vụ sản xuất công nghiệp). Cách phân loại này được duy trì cho đến ngày nay.
Theo TS. Tô Xuân Phúc, chuyên gia lâm nghiệp của Tổ chức Forest Trend (Hoa Kỳ), một phần quan trọng của quá trình này chính là chính sách giao rừng. Theo đó, 1,4 triệu hộ gia đình đã được giao 3,4 triệu hecta đất rừng, tương đương với tỷ lệ phân bổ 1-3 ha rừng cho mỗi hộ gia đình. Điều này đã giúp khuyến khích các cá nhân quan tâm tới đất đai và mang lại nhiều lợi ích cho cả con người và rừng.
Bên cạnh việc tiến hành chuyển giao quyền quản lý, chính phủ Việt Nam cũng bắt đầu thông qua một loạt các điều luật nhằm bảo vệ chất lượng rừng và hỗ trợ tái trồng rừng tại thời điểm chuyển giao thế kỷ, đồng thời mở rộng mối quan hệ với các đối tác quốc tế cùng hướng tới mục đích bảo vệ môi trường.
Chương trình của Liên hợp quốc về giảm phát thải khí nhà kính từ việc phá rừng và suy thoái rừng tại các quốc gia đang phát triển (REDD+), một nỗ lực quốc tế nhằm ngăn chặn nạn phá rừng và biến đối khí hậu, đã xem Việt Nam là một trong những đối tác đầu tiên. Việt Nam trở thành quốc gia thí điểm cho chương trình này vào năm 2008, sau đó tiếp tục nhận được sự ủng hộ quốc tế từ Liên Hợp Quốc và Quỹ đối tác Carbon Lâm nghiệp (FCPF) để thực hiện những nỗ lực phục hồi rừng và giảm phát thải khí nhà kính.
Một loài bướm rừng tuyệt đẹp tại Việt Nam
Tại COP 18 năm 2012, Việt Nam tiếp tục nhận thêm nhiều hỗ trợ quốc tế, tham gia kí kết trong tuyên bố chung với Nauy nhằm nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính do phá rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua tái trồng rừng. Những nỗ lực quốc tế và địa phương nhằm bảo vệ các cánh rừng hiện có và tái sinh lại những khu rừng đã mất giúp Việt nam định hình con đường phát triển bền vững cho tương lai, dù còn rất nhiều thách thức ở phía trước.
Những câu chuyện thành công
Theo Forest Trend, tính đến năm 2011, độ che phủ rừng tại Việt Nam đã gần tương đương trước chiến tranh, với 3 loại rừng chiếm 40,2 % tổng diện tích đất. Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc liên tục đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia có diện tích rừng mở rộng hàng năm trong khoảng 1990-2015.
Tại những khu vực từng chịu ảnh hưởng một phần của chất diệt cỏ trong chiến tranh, các nhà nghiên cứu đã bước đầu thành công trong việc gây trồng một số loài ngoại lai như bạch đàn, keo hay các loài thông, tăng chất dinh dưỡng cho đất và tạo bóng râm, giúp các loài cây bản địa có thể phát triển. Phần lớn diện tích đất được giao cho các hộ gia đình trong quá trình phân cấp quản lý đất rừng trong những năm 1980 nay được sử dụng để trồng keo. TS. Phúc khẳng định, sự tham gia của các hộ gia đình chính là mấu chốt của việc tái phục hồi rừng.
Sự phát triển nhanh chóng của các loài ngoại lai cũng mang lại nhiều nguồn thu cho các chủ sở hữu đất rừng. Tuy nhiên, việc trồng duy nhất một loài không đảm bảo được đa dạng sinh học và bảo vệ rừng đầu nguồn giống như các loài bản địa – điều mà nhiều nhà nghiên cứu đang nhấn mạnh khi môi trường ngày càng phải chịu nhiều áp lực từ biến đổi khí hậu.
Một con lạch nhỏ trong Rừng mưa nhiệt đới Cúc phương. (Ảnh: Rhett A.Butler)
Việc xem tái sinh rừng như một chiến lược nhằm bảo vệ đất nước khỏi các tác động của biến đổi khí hậu đã trở thành một phần chiến lược quốc gia tại Việt Nam, trong đó giá trị lớn nhất bao gồm phục hồi rừng ngập mặn, chống lại nước biển dâng và các cơn bão nhiệt đới ngày càng gia tăng về cường độ.
Một trong những dự án rừng ngập mặn thành công là Khu dự trữ sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ, phía đông nam TP. Hồ Chí Minh. Được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 2000, khu vực này gần như đã khôi phục hoàn toàn những cánh rừng bị rụng lá trước đó nhờ những nỗ lực của các nhà nghiên cứu đến từ Đồng bằng sông Cửu long và phát triển du lịch sinh thái.
Từ thành công của những dự án như Cần Giờ, chính phủ ngày càng quan tâm đến tăng cường nhận thức của người dân về vấn đề biến đổi khí hậu và nỗ lực thích ứng biến đổi khí hậu, bao gồm tái trồng rừng từ thành phố đến nông thôn. Tuy nhiên, TS Phúc cho rằng mặc dù đầu tư từ trung ương là khá lớn, quy mô các dự án vẫn còn nhỏ lẻ và thiếu những nỗ lực ở cấp địa phương. Đồng thời, mặc dù nhận thức của người dân đang dần được cải hiện, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ gỗ tại Việt Nam vẫn còn ở mức cao.
Những thách thức
Mặc dù các khu rừng đang được tích cực bảo vệ, Việt Nam khó có thể “bỏ đói” ngành công nghiệp gỗ. Thay vào đó, chính phủ Việt nam đang nỗ lực tìm kiếm các biện pháp quản lý tốt nhất nhằm cho phép khai thác gỗ bền vững trong các khu rừng sản xuất, tiếp tục tăng việc làm và kích thích kinh tế.
Theo Vietnam News, độ che phủ của rừng đã giảm gần 6%, tương đương hơn 300 000 ha rừng bị mất chỉ trong giai đoạn 2010-2015. Nguyên nhân là do khó khăn trong việc ngăn chặn nạn khai thác gỗ trái phép và khai thác tài nguyên không có định hướng. Theo TS Phúc, các chủ rừng nhỏ hiện đang sở hữu 3,4 triệu ha rừng lại sử dụng tài nguyên đất rừng một cách không hiệu quả. Các nhà nghiên cứu vẫn đang vận động nhằm xóa bỏ các công ty này và chuyển đất rừng cho các cộng đồng địa phương.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã đề xuất một kế hoạch nhằm giảm tình trạng mất rừng ở Tây Nguyên. Ước tính chi phí thực hiện kế hoạch này vào khoảng 886 triệu USD cho giai đoạn từ giữa năm 2016 đến 2025, với hơn một nửa ngân sách được tài trợ bởi các tổ chức nước ngoài.
Bên cạnh các chi phí tầm quốc gia, Forest Trend cho biết những chi phí cấp địa phương cho việc xây dựng và chứng nhận các kế hoạch quản lý bền vững rừng sản xuất lại thường không được cho phép, chính vì vậy nhiều doanh nghiệp gỗ không có khả năng chứng nhận sản phẩm và cũng không quan tâm đến việc bắt đầu quá trình này như thế nào.
Năm 2012, WWF ước tính giá gỗ cần tăng ít nhất 12% để bù lại các chi phí cấp chứng chỉ rừng bền vững cho một diện tích 2.000 hecta. Như trong năm 2014, chỉ có 136.706 hecta rừng tại Việt Nam được chứng nhận được quản rừng bền vững. Mặc dù vậy, chuyên gia Lecdecq tại WWF vẫn giữ quan điểm khá tích cực đối với việc cấp chứng chỉ. Ông cho biết, 674 công ty có chuỗi chứng nhận tại Việt Nam đang đề xuất chính phủ xây dựng chứng chỉ rừng quốc gia nhằm đảm bảo nguồn cung và tiếp cận thị trường trong dài hạn.
Cũng theo TS Phúc, mặc dù độ che phủ rừng thực sự đã tăng nhưng chất lượng rừng còn khá nghèo nàn, thậm chí đi xuống. Điều đó có nghĩa những cánh rừng nguyên sinh vẫn đang bị chuyển đổi sang mục đích trồng các loại cây công nghiệp.
Xu hướng tăng giá cao su và sắn có thể sẽ đảo ngược những thành công đã đạt được từ các dự án phục hồi rừng trong những năm gần đây.
Một góc Sơn Trà. (Ảnh: Rhett A.Butler)
Sau một chặng đường dài hơn 50 năm với những thành công ban đầu trong việc khôi phục lại những cánh rừng vốn có, Việt Nam hiện vẫn đang nhập khẩu một lượng gỗ rất lớn từ Campuchia, nơi hầu hết các hoạt động khai thác gỗ là bất hợp pháp và không bền vững. Bên cạnh đó, nhu cầu toàn cầu đối với các sản phẩm từ gỗ vẫn còn tồn tại, đòi hỏi gỗ phải được xuất khẩu. Vì vậy, vấn nạn phá rừng vẫn chưa thể chấm dứt.
Công Anh/ Theo Mongabay
CHIA SẺ