Quảng Ngãi thông tin về việc nhận chìm 15 triệu m3 vật chất xuống biển

BVR&MT – Liên quan đến việc nhận chìm 15 triệu m3 vật chất xuống biển mà dư luận đang quan tâm, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã trao đổi với ông Đỗ Minh Hải, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi.

Khu du lịch sinh thái Cồn Vành đang được chỉnh trang, nâng cấp để thu hút khách du lịch. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Tại cuộc trao đổi, ông Đỗ Minh Hải cho biết thời gian gần đây, tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp cùng Công ty cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất để nhận chìm khoảng 15 triệu m3 vật chất nạo vét sau khi tiến hành nạo vét cảng Hòa Phát. Đây là việc làm bình thường, vật chất nạo vét này nằm ở khu vực biển, không phải là vật chất gây ô nhiễm môi trường. Đơn vị thi công chỉ di chuyển cát từ khu vực này để chuyển sang khu vực khác.

Liên quan đến khu vực dự kiến để nhận chìm, theo ông Đỗ Minh Hải, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã mời các chuyên gia đầu ngành về môi trường biển cùng với đơn vị tư vấn, chủ đầu tư khảo sát kỹ khu vực nhận chìm và đánh giá môi trường hiện tại. Sau khi có kết quả, Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị tư vấn cùng các sở, ngành tổ chức họp và thống nhất kết luận khu vực này không có san hô, không có cỏ biển, không có rong mơ. Do vậy, đa dạng sinh học ở khu vực này không có.

Vị trí dự kiến nhận chìm gần vị trí mà Nhà máy lọc dầu đã đổ vật chất nạo vét để làm cảng cho đơn vị này trước đó và cũng gần vị trí nhận chìm vật chất của việc nạo vét định kỳ của các cảng trong vực (đã được các cấp có thẩm quyền cấp phép). Địa hình dưới đáy biển (của vị trí dự kiến nhận chìm) qua khảo sát tương đối bằng phẳng chỉ có độ dốc khoảng 2%. Do đó, khi đổ thải sẽ hạn chế việc phát tán trong quá trình nhận chìm; đảm bảo yêu cầu công tác nhận chìm.

“Trong quá trình nhận chìm rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến việc khai thác thủy hải sản của người dân; tuy nhiên việc nhận chìm này chỉ diễn ra trong thời gian tương đối ngắn nên sẽ ảnh hưởng không nhiều. Bên cạnh đó, ngư trường của người dân Quảng Ngãi chủ yếu là ở các ngư trường đánh bắt xa bờ, còn ngư trường đánh bắt gần bờ thì khu vực này rất hiếm khi có tàu ra tới đây để đánh bắt, vì ở gần bờ họ chỉ ra đánh bắt từ 4-5 hải lý,” Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi Đỗ Minh Hải khẳng định.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi cũng cho biết trong quá trình đánh giá tác động môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, Sở sẽ yêu cầu Công ty cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất có kế hoạch chi tiết để cung cấp thông tin và báo cáo kế hoạch thực hiện cụ thể. Sở sẽ phối hợp với Ban quản lý khu kinh tế Dung Quất và chính quyền địa phương thông báo đến ngư dân một cách cụ thể, tránh gây thiệt hại cho người dân.

Trong quá trình nạo vét, Công ty cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất sử dụng các công nghệ và đội tàu hiện đại từ các nước tiên tiến; do đó việc hút và đổ vật chất nạo vét sẽ giảm thiểu nguy cơ phát tán và gây ô nhiễm môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi sẽ thực hiện kiểm tra, giám sát suốt cả quá trình, từ việc nạo vét đến việc nhận chìm vật chất ra tại vị trí nhận chìm.

Hiện tại Cảng Dung Quất chỉ đón được những tàu có tải trọng 100.000 DWT nên chưa khai thác hết tiềm năng vốn có của vùng biển nước sâu. Công ty cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất quyết định điều chỉnh nâng công suất cảng chuyên dụng từ 150.000 DWT lên 200.000 DWT và được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận. Sau khi được nạo vét, cảng Hòa Phát Dung Quất sẽ là một trong hai cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam có khả năng đón tàu trọng tải 200.000 DWT.

Việc nâng công suất cảng đã làm tăng khối lượng nạo vét lên đến khoảng 19 triệu m3. Chủ đầu tư dự án đã tính đến các phương án xử lý vật liệu nạo vét, tuy nhiên những phương án này gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, phương án sử dụng vật chất nạo vét dư thừa để san lấp mặt bằng cho các dự án ở trong nước hoặc tích trữ trên đất liền, thế nhưng với phương án này ngoài khối lượng khoảng gần 4 triệu m3 chủ đầu tư tự sử dụng san lấp dự án của mình, phần còn lại các dự án khác không mua với nhiều lý do khác nhau. Xuất khẩu được cho là phương án thuận lợi và hiệu quả nhất về mặt kinh tế, môi trường nhưng hiện nay Chính phủ đang yêu cầu tạm dừng xuất khẩu mọi loại cát nên không thực hiện việc xuất khẩu được.

Do bế tắc về “đầu ra” của chất thải nạo vét khiến dự án cảng nước sâu Dung Quất đứng trước nguy cơ chậm tiến độ.

Trước đó, ngày 26/10, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức cuộc họp tại Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi lấy ý kiến của các bộ ngành liên quan. Cuộc họp đã thống nhất đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép nhận chìm vật chất nạo vét ở biển của dự án. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng có văn bản thống nhất nội dung nhận chìm vật chất nạo vét của dự án.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 7/11, ông Lê Viết Chữ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đã ký văn bản số 589/CV-ĐĐBQH gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc xem xét cấp phép nhận chìm vật liệu nạo vét dư thừa của dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát.

Trình bày nguyện vọng của cử tri, công văn nêu rõ dự án có ý nghĩa rất quan trọng giúp tỉnh Quảng Ngãi chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho khoảng hơn 8.000 lao động, tăng nguồn thu ngân sách địa phương khoảng 4.500-5.000 tỷ đồng/năm. Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh rất mong dự án sớm hoàn thành đi vào sản xuất, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị liên quan sớm phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp phép nhận chìm vật liệu nạo vét dư thừa của dự án.

Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại Văn bản số 152/TTg-CN ngày 25/1/2017, tổng diện tích là 366,4ha, trong đó đất xây dựng nhà máy là 339,5ha và đất xây dựng cảng chuyên dùng là 26,9ha; công suất thiết kế 4 triệu tấn/năm; công suất của cảng cho tàu có trọng tải đến 200.000 DWT.