Quảng Nam: Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế vườn đồi 

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (2016 -2020)

BVR&MT – Huyện miền núi Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) đang tập trung hỗ trợ và khuyến khích người dân cải tạo vườn đồi để trồng một số loại cây bản địa có giá trị kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Từ khi tách hộ ra ở riêng cách đây gần 10 năm, gia đình chị Bríu Thị Thái Đin ở thôn Azan, xã Mà Cooih đã gắn bó với cây chuối mốc. Từ 100 gốc chuối mốc ban đầu mà huyện Đông Giang hỗ trợ, chị Đin đã nhân rộng ra khu vườn đồi bên cạnh nhà. Hiện nay, gia đình chị Đin đã có diện tích trồng chuối lên tới hơn 1 ha. 

Chị Bríu Thị Thái Đin cho biết, trước đây bà con trong thôn chỉ biết đi rừng để tận thu các sản vật, còn diện tích vườn nhà thường ít quan tâm trồng trọt. Khi thấy gia đình phát triển cây chuối mang lại thu nhập kinh tế, nhiều hộ dân khác trong thôn đã đến xin giống về trồng tại vườn nhà.

Chị Bríu Thị Thái Đin ở thôn Azan, xã Mà Cooih chăm sóc vườn chuối của gia đình.

“Cây chuối mốc dễ trồng, không đòi hỏi nhiều công chăm sóc và thích nghi tốt với loại đất vườn đồi vốn có nhiều sỏi đá. Vườn chuối cho buồng quanh năm nên tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, với khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng”. – chị Bríu Thị Thái Đin nói. 

Hiện nay, nhiều xã của huyện Đông Giang hiện cũng đang phát triển mạnh cây chuối như một loại cây “xóa đói giảm nghèo”, với tổng diện tích toàn huyện lên tới 730 ha. Cùng với việc phát triển cây chuối, huyện Đông Giang còn đưa một số loại cây mọc tự nhiên trong rừng như cây ớt Ariêu, cây chè RaDeéh, cây mật nhân…về trồng tập trung trong vườn của các hộ dân ở một số vùng có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp. Ớt Ariêu là giống ớt bản địa của vùng đất Đông Giang, thường mọc tự nhiên quanh khu vực chân núi đá vôi. Loại ớt này trái nhỏ, có vị cay nồng thơm rất đặc trưng và được bà con đồng bào dân tộc Cơ tu ở đây xem như đặc sản của địa phương. 

Từ năm 2014 đến nay, huyện Đông Giang đã có nhiều hỗ trợ nhân giống loại ớt này để trồng bán thương phẩm. Theo đó, mỗi hộ dân trồng một cây ớt cho ra trái sẽ được hỗ trợ 500 đồng/cây, hỗ trợ phân bón cũng như được tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc và chế biến ớt. Cuối năm 2015, Hợp tác xã nông nghiệp Mà Cooih được thành lập với 33 thành viên, lĩnh vực hoạt động chủ yếu là trồng và chế biến sản phẩm ớt Ariêu. Hiện nay, diện tích ớt Ariêu của hợp tác xã khoảng hơn 1,5 ha với hơn 20.000 cây, sản lượng thu hoạch ớt năm 2016 ước đạt 2 tấn. 

Anh Trần Quốc Trí, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Mà Cooih cho biết, mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng Hợp tác xã nông nghiệp Mà Cooih đã bước đầu đứng ra thu mua ổn định ớt cho các hộ dân. Ớt Ariêu tươi hiện có giá bán tại vườn 200.000 đồng/kg. Từ nguồn ớt tươi, hợp tác xã đã chế biến thành các lọ ớt dầm muối có thương hiệu trên thị trường. Từ đầu năm đến nay, Hợp tác xã nông nghiệp Mà Cooih đã đưa ra thị trường hàng ngàn lọ ớt muối dầm và đang làm các thủ tục để đưa sản phẩm này vào các siêu thị của thành phố Đà Nẵng. 

Cũng như cây ớt Ariêu, cây chè RaDeéh hay còn gọi là chè dây rừng thường mọc phát tán tự nhiên dưới những tán rừng. Loại chè này được bà con đồng bào dân tộc sử dụng uống hàng ngày vừa thơm, vừa giúp thanh lọc cho cơ thể. Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn nên cây chè RaDeéh đang đứng trước nguy cơ bị khai thác cạn kiệt trong tự nhiên. Từ thực tế đó, huyện Đông Giang đã tiến hành ươm giống và nhân rộng trồng tại vườn đồi của các hộ dân trên địa bàn xã Tư với kết quả khả quan. Hiện nay, xã Tư đã thành lập tổ hợp tác trồng và sản xuất chè dây RaDeéh với nhiều hộ dân tham gia. Sản phẩm chè RaDeéh khô hiện được tiêu thụ mạnh tại nhiều địa điểm du lịch trên địa bàn huyện. 

Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đông Giang Nguyễn Tấn Tuân cho biết, hiện nay huyện đã tiến hành đăng ký nhãn hiệu cho một số sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí cho các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp mua sắm máy móc bảo quản, đóng gói sản phẩm, thiết kế bao bì cũng như tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh qua đó góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ. Việc cải tạo vườn đồi để phát triển các loại cây trồng phù hợp đang giúp cho nhiểu người dân vùng cao trong huyện có được nguồn thu nhập ổn định từ chính mảnh vườn của gia đình, qua đó từng bước cải thiện đời sống của người dân.

Lê Linh