Quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp

BVR&MT – Vật tư nông nghiệp có vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Nhằm bảo đảm sản xuất, an toàn thực phẩm, thời gian qua, cả nước đã xây dựng và phát triển 913 chuỗi, 1.407 sản phẩm và 3.162 điểm bán sản phẩm đã được kiểm soát theo chuỗi.

Ảnh minh họa.

Trong số các chuỗi này, có sự tham gia của khoảng 100 hợp tác xã, 250 công ty. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp đang diễn ra ở nhiều địa phương, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nông sản và gây thiệt hại cho người sản xuất.

Sáu tháng đầu năm 2018, các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 140 cơ sở, qua đó phát hiện và xử phạt 102 cơ sở vi phạm về chất lượng vật tư nông nghiệp. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố đã chủ động kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 14.259 cơ sở, phát hiện và xử phạt 1.021 cơ sở vi phạm trong lĩnh vực này.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp còn nhiều là do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ quản lý vật tư nông nghiệp chưa đầy đủ và tính khả thi chưa cao; năng lực quản lý nhà nước còn hạn chế; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đấu tranh phòng, chống tội phạm và sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa chủ động, thiếu quyết liệt, còn có nơi buông lỏng quản lý. Bên cạnh đó, các chính sách pháp luật khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an toàn thực phẩm chưa đi vào thực tiễn sản xuất; công tác tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp, nhất là cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ tuân thủ quy định bảo đảm an toàn thực phẩm chưa thật sự hiệu quả. Đáng chú ý là chưa xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm cũng như tạo động lực khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Để khắc phục tình trạng vi phạm chất lượng vật tư nông nghiệp, các bộ, ngành, địa phương cần giảm bớt việc thanh tra theo kế hoạch bằng tăng cường thanh tra đột xuất nhằm tránh tình trạng các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp biết trước để đối phó. Đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn, xử lý nghiêm việc nhập lậu, kinh doanh vật tư nông nghiệp không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ; xây dựng và triển khai kế hoạch chuyên đề về đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; đẩy mạnh tổ chức sản xuất các sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực địa phương theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm. Mở rộng, nhân rộng các chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc, quảng bá sản phẩm thông qua bao gói, ghi nhãn, dán tem truy xuất điện tử. Đồng thời rà soát, loại bỏ các vật tư nông nghiệp kém chất lượng, không an toàn ra khỏi danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam.