Quản Bạ – Hà Giang: Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới

BVR&MT – Quản Bạ là một trong 4 huyện thuộc vùng Cao nguyên đá và cũng là một trong 6 huyện nghèo của Hà Giang được thụ hưởng các chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ (gồm 4 huyện Cao nguyên đá và 2 huyện vùng cao phía Tây).

Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Quản Bạ là nơi cư trú chủ yếu của đồng các dân tộc thiểu số (chủ yếu là dân tộc Mông, Nùng, La Chí, Lô Lô, Sán Dìu…), trình độ dân trí thấp, tập quán canh tác nhỏ lẻ, manh mún là một trong những trở ngại lớn khi thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và triển khai Chương trình xây dựng Nông thôn mới.

Một mô hình nuôi ong mật Bạc hà tại xã Thanh Vân huyện Quản Bạ.

Từ thực tiễn đó, để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh gắn với xây dựng Nông thôn mới, từ những thế mạnh cũng như hạn chế và tồn tại, huyện Quản Bạ đã xác định những cây trồng và vật nuôi thế mạnh nhằm thực hiện và đẩy mạnh chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn của huyện. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đẩy mạnh phát triển cây trồng và vật nuôi thế mạnh theo hướng hàng hóa là một trong các hướng đi chủ yếu nhằm nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người nông dân. Đây cũng chính là nền tảng quan trọng góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn của huyện. Xuất phát từ thực tiễn đó, Nghị quyết Chuyên đề của huyện Quản Bạ đã xác định 03 cây chủ đạo là cây dược liệu, cây ngô lai và cây hồng không hạt; 03 con chủ yếu là dê, bò và ngựa và 03 sản phẩm đặc thù là dệt lanh, rượu ngô Thanh Vân và mật ong bạc hà.

Tính đến thời điểm cuối năm 2017, tổng diện tích cây hồng không hạt của huyện Quản Bạ đạt trên 92 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là 56 ha và sản lượng đạt trên 286 tấn; hiện sản phẩm hồng không hạt của huyện Quản Bạ đã được bảo hộ bằng Chỉ dẫn địa lý. Trong những năm qua đã có nhiều hộ gia đình của huyện Quản Bạ có thu nhập từ hồng không hạt, bình quân từ 35 – 40 triệu đồng/hộ/năm, cá biệt có gia đình thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ loài cây ăn quả đặc sản này. Bên cạnh đó, hiện nay trên địa bàn huyện Quản Bạ đã có 30 HTX các loại đang hoạt động hiệu quả (chủ yếu là các HTX làm dịch vụ nông nghiệp). Ngoài ra, trên địa bàn của huyện cũng hình thành nhiều mô hình phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và phát triển chăn nuôi ong theo hướng hàng hóa…

Hồng không hạt huyện Quản Bạ đã được cấp Chứng nhận Chỉ dẫn địa lý.

Nhằm tiếp tục thực hiện Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới, huyện Quản Bạ đặt mục tiêu trong năm 2018 và những năm tiếp theo sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng một cách bền vững trên cơ sở thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đảm bảo phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hàng hóa; đảm bảo an ninh lương thực và an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, huyện Quản Bạ tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng trang trại và các làng nghề truyền thống; bảo vệ, phát triển thương hiệu các loại đặc sản của địa phương như gà xương đen, hồng không hạt, rượu Thanh Vân, mật ong bạc hà…Trong đó, tập trung phát triển 03 con là bò, dê, ngựa theo hướng hàng hóa.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Bí thư huyện ủy, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới huyện Quản Bạ cho biết: Để thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới, trong năm 2018 và những năm tiếp theo, huyện Quản Bạ sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các mục tiêu của tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới. Huyện ủy sẽ tăng cường chỉ đạo các Ban, Ngành đoàn thể và người nông dân triển khai và thực hiện tốt các chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa nhằm nâng cao thu nhập trên vị diện tích đất canh tác.

Ngoài ra, huyện sẽ tiếp tục vận động và hỗ trợ người dân tham gia phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa mang thương hiệu của địa phương; tiếp tục đầu tư các chợ đầu mối tiêu thụ gia súc; khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập các HTX dịch vụ nhằm cung ứng các loại vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ chỉ đạo các ngân hàng của huyện tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tạo điều kiện giúp người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi một cách thuận lợi nhất nhằm phục vụ các mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn của huyện.

Phạm Văn Phú
(Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Giang)